Thử nghiệm để thu hút khán giả

- Thứ Hai, 14/10/2019, 08:11 - Chia sẻ
Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV đã khép lại sau 10 ngày tranh tài. Nhiều vở diễn được khen ngợi, song cũng không ít vở bị đánh giá chưa đạt tới tính thử nghiệm. Nhưng những khen - chê đó chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như cách làm của các đơn vị nghệ thuật và bản thân nghệ sĩ, để kéo khán giả đến với sân khấu.

Nhiều thử nghiệm thú vị

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 - 13.10, Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV gồm 7 vở của các đoàn quốc tế, 14 vở của các đơn vị nghệ thuật trong nước. Đánh giá từ giới chuyên môn cho thấy, các tác phẩm thử nghiệm đều ít nhiều cũng đem đến những góc nhìn mới. Có thể khó đánh giá một cách trọn vẹn tính thử nghiệm trong các vở diễn quốc tế (do khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa…), song những gì nghệ sĩ Việt Nam đã làm được ghi nhận “đáng khâm phục”, từ kịch bản, hình thức thể hiện cho tới diễn xuất. PGS.TS. Phạm Duy Khuê chia sẻ: “Những người làm sân khấu đã thực sự được một bữa tiệc nghệ thuật bởi hai chữ “thử nghiệm”. Tôi chắc chắn rằng, với những tác phẩm thử nghiệm thành công ở Liên hoan này, khán giả sẽ không thể thờ ơ với sân khấu”.


Cảnh trong vở “Cậu Vanya” của Nhà hát Tuổi trẻ

Xem “Cậu Vanya” của Nhà hát Tuổi Trẻ, khán giả được các nghệ sĩ kéo sống cùng với tâm trạng của nhân vật. Bằng tư duy dàn dựng sân khấu hiện đại, “Cậu Vanya” đã chinh phục những khán giả khó tính nhất, trong đó có các nhà làm nghệ thuật của Việt Nam và quốc tế. Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi cho biết: “Tôi không muốn đề cập một cách trực diện mọi vấn đề mà dùng phương pháp thể hiện giãn cách, đưa ra các tình huống, thông qua kỹ thuật hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh để dẫn dắt khán giả cảm nhận tâm trạng và hoàn cảnh của nhân vật”. Bởi thế, tác phẩm, như PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét, “đã chạm đến trái tim khán giả”.

Cũng được đánh giá thành công về câu chuyện kịch, thủ pháp dàn dựng, vở “Sự sống”, của đạo diễn Nhật Bản Hiroyuki Muneshige Munixighe hợp tác với Nhà hát Kịch Việt Nam, khéo léo trong cách xử lý khiến người xem thẩm thấu câu chuyện một cách dễ dàng. Đạo diễn đã không dùng trang trí, phục trang, ánh sáng để thử nghiệm mà hoàn toàn là nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Cách làm mạch lạc, rõ ràng này cũng thấy trong vở “Ngàn năm mây trắng” của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, khi đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên sử dụng ngôn ngữ của 5 loại hình nghệ thuật từ chèo, cải lương, ca Huế, xẩm, ca kịch, để tạo thành 5 không gian, xuyên suốt là tính bi kịch của cải lương. “Tôi cho đây là một nồi lẩu thập cẩm ngon”, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái ví von.

Trước nhận xét của PGS.TS. Phạm Duy Khuê về tính văn học của kịch bản “Huyền thoại gò Rồng Ấp” là dung tục, làm nhòe đi cái thiêng liêng của đất trời, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái lại cho rằng, vở kịch lấy gốc tích là tín ngưỡng phồn thực, thờ nõ, thờ nường của vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ. “Tính thử nghiệm nằm ở việc lý giải Lý Công Uẩn hình thành trong bào thai như thế nào và tác giả muốn cắt nghĩa nhiều vấn đề cho quá trình ấy. Cách làm mới này có thể được chấp nhận hoặc không, song tâm huyết để thử nghiệm là điều đáng trân trọng”. Giống như cách giải thích đạo diễn Trần Lực với vở “Nữ ca sĩ hói đầu”: “Bằng phương pháp ước lệ biểu hiện, tôi muốn từ nghệ thuật truyền thống cộng hưởng nghệ thuật đương đại ra một ngôn ngữ sân khấu riêng. Dẫn dắt cảm xúc của khán giả, những câu chuyện giao đãi làm khán giả hoan hỉ, cười với nhau vì những điều phi lý, chính là thử nghiệm”.

Và những thiếu hụt

Tuy nhiên, vẫn còn một số vở diễn gây tranh cãi trước những quan điểm khác nhau về tính thử nghiệm. Như “Nhật thực” của Nhà hát Thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt trong khi được một số nghệ sĩ nước ngoài như Ấn Độ, Hy Lạp, Trung Quốc rất thích thú trước sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, thì nhiều nghệ sĩ Việt Nam cho rằng vở diễn có lối dàn dựng quá cũ, kết cấu không chặt chẽ khiến tâm lý nhân vật bất hợp lý và hơn cả là thiếu tính thử nghiệm. 

Đi xem hầu hết các buổi diễn tại Liên hoan, tác giả Lê Quý Hiền chia sẻ: “Với tôi chỉ cần 1 - 2 vở thành công đã là thắng lợi của Liên hoan rồi. Chỉ tiếc là một số vở diễn đã đi sai lệch bài toán thử nghiệm”. Ông dẫn chứng vở “Mơ rồng” của Nhà hát Múa rối Thăng Long, quá lạm dụng vũ đạo và kỹ thuật sân khấu, phá đi những giá trị truyền thống của sân khấu rối nước. Vở “Dưới cát là nước” của Nhà hát Thế giới trẻ, đạo diễn dàn dựng rất mâu thuẫn giữa hình thái tả thực và tả ý, khi tả cát nhưng lại có sự xuất hiện của dàn đồng ca. “Đã đưa tình huống vào kịch thì phải giải thích cho rõ chứ không thể để những màn diễn thiếu tính thuyết phục, mang áp đặt chủ quan của người dựng” - tác giả Lê Quý Hiền nói.

Sân khấu thử nghiệm hay không thử nghiệm, theo nhiều khán giả vẫn phải là một tác phẩm mang đầy đủ các thành phần của một tác phẩm sân khấu, phải giúp cho tất cả khán giả hiểu được giá trị nội dung và tư tưởng. Nhưng khi xem “Hai mươi” của Trung tâm Sân khấu và Phát triển, một khán giả đã thốt lên rằng “đây là tạp kỹ chăng, nhưng chắc chắn không thể là một tác phẩm sân khấu khi nó không đẩy cái gì đến tận cùng...”. Hay có những vở diễn yếu tố thử nghiệm rất rõ nhưng không đạt. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái thẳng thắn: “Hà Nội của những giấc mơ” rất ít tính thử nghiệm, lại không có câu chuyện làm bật ra tính logic. Cũng chính vì vắng câu chuyện nên vở diễn khập khiễng, không phát huy được tinh thần của xiếc khi tận dụng thể loại khác là kịch. “Theo tôi, xiếc nên xây dựng theo chủ đề, thay vì các tiết mục nhỏ lẻ, truyền thống”, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái nói.

Hương Sen