Xóa chợ cóc, chợ tạm ven quốc lộ

Thực hiện phải quyết liệt và kiên trì

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 06:19 - Chia sẻ
Hệ lụy của việc tụ tập buôn bán, họp chợ ven đường, ven quốc lộ không chỉ về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, mà còn hình thành các điểm đen về tai nạn giao thông cho cả người đi đường và các hộ kinh doanh. Để dẹp những “cái bẫy” nguy hiểm này, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh tay, quyết liệt, cũng như kiên trì của chính quyền các địa phương, với những kế hoạch cụ thể và thực hiện một cách kiên quyết.

Nguy cơ từ thói quen "sẵn - tiện"

Là tỉnh phát triển công nghiệp, có lưu lượng lớn xe container, xe tải chở hàng hóa, mỗi năm, Bình Dương có cả trăm người chết vì tai nạn giao thông, khiến người dân không khỏi “rùng mình”. Nguyên nhân là do ven quốc lộ, các tuyến đường liên tỉnh trở thành nơi mua bán nhộn nhịp; nhất là tại các khu công nghiệp, mỗi khi tan ca, hàng nghìn công nhân đổ ra đường, cửa hàng, quầy bán di động mọc lên như nấm phục vụ đủ loại hàng hóa từ lương thực, thực phẩm đến đồ gia dụng, sinh hoạt hàng ngày. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, chợ tự phát trên địa bàn vẫn tồn tại. Đặc biệt, khu vực một số tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 22, tình trạng xe kéo chở hàng hóa mua bán, thậm chí các phương tiện có trọng tải lớn như xe ben, container, xe tải, xe khách chạy bất kể ngày đêm nhưng nhiều người vẫn thản nhiên họp chợ, mua bán dưới lòng đường, đe dọa an toàn giao thông.

Người dân bán hàng rong, hoa quả ngay sát bên đường
Nguồn: ITN

Ngay sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Đăk Nông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề nghị các địa phương nhanh chóng kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường; bổ sung các biển báo hạn chế tốc độ nơi đông dân cư.

Không chỉ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, mà đi dọc trên các tuyến quốc lộ hay bất cứ đường liên tỉnh, liên huyện nào của nước ta hiện nay đều thấy các chợ tạm, chợ cóc xuất hiện, có nơi còn dày đặc. Hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt kể cả đường thủy nhiều nơi bị lấn chiếm vô tội vạ để làm nơi tập kết hàng hóa, buôn bán rất nhộn nhịp, đông đúc. Trong đó, vụ tại nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra sáng 13.6 trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn 11, xã Đăk R’la, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) khiến 5 người chết, 5 người bị thương thêm một lần nữa gióng lên “hồi chuông” cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông từ những chợ họp ven quốc lộ, tỉnh lộ.

Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Hạnh Phúc cho biết, thực trạng này xảy ra chủ yếu do nhu cầu mua sắm của người dân lâu nay theo thói quen “sẵn - tiện”, vừa nhanh vừa không phải gửi xe vào chợ; hay hàng hóa rẻ, phù hợp với thu nhập. Người bán đa số là hộ thu nhập thấp, bán ven đường để đỡ tiền mặt bằng, thuế khóa; chưa kể sản phẩm có khi là do nhà làm được. Điều đáng nói là nhiều người nhận thức rất rõ mua bán ở ven đường, nhất là ven các quốc lộ là nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông nhưng vì mưu sinh nên vẫn bất chấp, hậu quả là các vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.

Cuộc chiến lâu dài 

Trên thực tế, lực lượng chức năng cũng đã ra quân xử lý rất nhiều lần, nhưng việc buôn bán, họp chợ sai quy định vẫn tái diễn và nguy hiểm luôn rình rập. Một phần nguyên nhân là do chính quyền và lực lượng liên quan ở địa phương chưa áp dụng biện pháp mạnh, thường xuyên để dẹp bỏ; lực lượng kiểm tra còn mỏng và việc xử lý chưa nghiêm, còn theo kiểu phong trào, theo mùa. Chính sự không dứt khoát này nên sau một thời gian chợ tạm ven đường lại tái lập. Trong khi đó, ý thức của một số người dân về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa cao.

Liên quan đến vấn đề này, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng đối với cá nhân, 600.000 - 800.000 đồng đối với tổ chức có hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị. Phạt tiền 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác thì cá nhân sẽ bị phạt tiền 4 - 6 triệu đồng; tổ chức bị phạt tiền 8 - 12 triệu đồng. 

Như vậy, có thể thấy, chế tài đã được xác định theo hướng nặng hơn. Tuy nhiên, để chấm dứt chợ cóc, chợ tạm, trả lại hành lang an toàn cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, không để xảy ra các tai nạn thương tâm là một cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của chính quyền các địa phương. Theo Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể, phải thực hiện một cách quyết liệt và kiên trì. Trong đó, thực hiện truyền thông để người bán và người mua hiểu rõ về những nguy cơ tai nạn giao thông khi tổ chức họp chợ nơi giao thông đông đúc phương tiện qua lại chạy với tốc độ cao như quốc lộ. Một giải pháp khác cũng cần được tiến hành song song là bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để tái lập các chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm buôn bán đã được giải tán. Đồng thời, huy động các nguồn đầu tư hình thành các chợ dân sinh, các cửa hàng tiện lợi phục vụ người bán người mua chu đáo, đa dạng chủng loại hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động. Bên cạnh các giải pháp nêu trên thì nhiều ý kiến cho rằng, các lực lượng chức năng cần có thái độ và hành động cương quyết khi tổ chức các đợt cưỡng chế, di dời.

Hiểu Lam