Góc nhìn

Thương hiệu không chỉ để bán hàng

- Thứ Năm, 17/10/2019, 08:16 - Chia sẻ
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình không chỉ hướng tới 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia mà còn xây dựng hình ảnh một đất nước năng động, phát triển mạnh mẽ; là niềm tự hào, sức lôi cuốn của con người Việt, văn hóa Việt, uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao; góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Theo các chuyên gia, khi việc gắn mác sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu xuất xứ từ một quốc gia nào đó ảnh hưởng sâu sắc đến cảm nhận của người tiêu dùng về sản phẩm, thì đó là một quốc gia có thương hiệu. Điều này cũng rất quan trọng khi xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam. Các nước biết đến Việt Nam không chỉ dừng lại ở phở, áo dài, nón lá… mà cần biết rất nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị văn hóa, khoa học tinh tế khác. Đây không đơn thuần là giá trị kinh tế của sản phẩm hàng hóa cụ thể một doanh nghiệp, không chỉ để bán được nhiều hàng, tăng xuất khẩu, mà còn là niềm tự hào Việt, là năng lực sản xuất, sự sáng tạo độc đáo và làm nên quốc gia có thương hiệu qua những sản phẩm cụ thể.

Có thể thấy, số lượng doanh nghiệp Việt được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia ngày một nhiều. Năm 2010: 43 doanh nghiệp; 2012: 54 doanh nghiệp; 2014: 63 doanh nghiệp; 2016: 88 doanh nghiệp; 2018: 97 doanh nghiệp. Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Vietnam Value và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Xây dựng thương hiệu quốc gia không chỉ là việc của doanh nghiệp mà của cả cộng đồng, của Chính phủ, của từng địa phương; cần có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm, thích ứng với từng thời điểm; khai thác đúng thế mạnh, tiềm lực. Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận đơn giản nhất là xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên phát triển các sản phẩm. Đây cũng là một giải pháp. Bên cạnh đó cần chú trọng đến truyền thống sản xuất, khai thác thế mạnh, tính bền vững của sản phẩm để xây dựng thị trường, giành và giữ thị phần sản phẩm thương hiệu Việt gắn với văn hóa Việt. 

Thương hiệu quốc gia Việt Nam không phải chỉ để bán hàng mà là con đường phát triển bền vững, lâu dài. Quá trình xây dựng thương hiệu là quá trình đầu tư chứ không phải chi phí. Và việc xây dựng thương hiệu đã khó nhưng giữ gìn và phát triển còn khó hơn. Không thể dễ dãi khi công nhận thương hiệu quốc gia Việt Nam. Và cần thiết phải loại bỏ sản phẩm khi phát hiện gian lận, giả mạo tài liệu trong quá trình tham gia chương trình hay gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, hình ảnh và thương hiệu quốc gia Việt Nam; lợi dụng hình ảnh và thương hiệu để trục lợi, vi phạm pháp luật… Đây cũng chính là yêu cầu mà Bộ Công thương cần quy định chặt chẽ trong Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Thanh Hà