An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập ở cực Nam Trung Bộ

Tiến tới chủ động về nước vào năm 2025

- Thứ Hai, 20/07/2020, 08:27 - Chia sẻ
Mới đây, khi đến hai tỉnh cực nam Trung Bộ là Ninh Thuận và Bình Thuận, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, choáng ngợp trước những “cánh đồng” điện gió, điện mặt trời. Đây là bước chuyển mình đáng khâm phục của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp hai địa phương này sau khi dừng dự án nhà máy điện nguyên tử để hòa mình vào xu thế chung của toàn cầu: Phát triển năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.

Khu vực khô hạn nhất cả nước

Cả Ninh Thuận và Bình Thuận đều nằm trong khu vực khô hạn nhất cả nước, mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa với các đặc trưng là khô nóng, gió nhiều, bốc hơi nhanh, thậm chí Ninh Thuận còn được coi thuộc loại khí hậu cận hoang mạc, hàng năm thường xảy ra tình trạng khô hạn khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Những tháng đầu năm 2020 không có mưa, tình hình nắng nóng kéo dài trên diện rộng, Ninh Thuận đã phải công bố rủi ro thiên tai do hạn trên địa bàn toàn tỉnh ở cấp độ 3 khi tất cả 21 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế 194 triệu m3 nhưng đến tháng 5 chỉ còn lại khoảng 12,3% thiết kế, trong đó 11 hồ đã cạn trơ đáy.

Để đối phó với tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, hai tỉnh đã quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với hạn, thiếu nước ngay từ đầu mùa khô để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Để tiến tới chủ động ứng phó với hạn hán, hai tỉnh đã được đầu tư nhiều công trình thủy lợi tầm cỡ từ ngân sách trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, trong đó hồ chứa nước Sông Cái dung tích 219 triệu m3 tại huyện Bắc Ái, có tổng mức đầu tư 5.239 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ điều tiết, sử dụng hợp lý nguồn nước từ thượng nguồn sông Cái để cấp nước cho các vùng khô hạn thuộc các huyện Bắc Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) và tạo nguồn tiếp nước cho vùng Nam Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), cơ bản giải quyết, ứng phó được với tình hình khô hạn trong khu vực hiện nay. Đây được kỳ vọng là hệ thống thủy lợi liên hồ đập với giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, cấp nước bằng kênh hở, kênh kín dạng đường ống hiện đại, tiếp nước cho hệ thống thủy nông và các hồ chứa ở hạ lưu phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ, cho nuôi trồng thuỷ sản vùng hạ lưu sông Cái, thủy điện tích năng, tạo nguồn tiếp nước cho vùng Nam Cam Ranh và khu tưới hồ Sông Than. Đến nay đã xây dựng xong đập dâng Tân Mỹ và hoàn thành 21,8/29,6km đường ống chính, kịp thời cấp nước chống hạn cho 4.754ha/6.800ha đất canh tác và dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 12 năm sau. Tất cả để đạt mục tiêu đưa tổng dung tích trữ của hồ chứa toàn tỉnh được nâng lên là 498 triệu m3 trong khi tổng lượng nước yêu cầu cho sản xuất và sinh hoạt cần là 278,14 triệu m3 đủ để đáp ứng nhu cầu nước hiện tại cũng như trong tương lai.

Còn tại Bình Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp đưa chúng tôi khảo sát công trình xây dựng hồ đập sông Lũy dung tích 100 triệu m3, tổng kinh phí đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2021, cung cấp nước cho 24 nghìn ha diện tích khô hạn ở hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong. Điều đặc biệt là hồ chứa nước Sông Lũy sẽ kết nối với hệ thống thủy lợi phía bắc Bình Thuận, cùng với hồ La Ngà 3, Ka Pét ở phía Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở Bình Thuận phát triển những năm tiếp theo. Trong đó, dự án Hồ chứa nước Ka Pét tuy tổng mức đầu tư chỉ 585,6 tỷ đồng, hoàn thành năm 2024, nhưng được Quốc hội Khóa XIV ban hành Nghị quyết số 93/2019/QH14 quyết định chủ trương đầu tư do có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ (với yêu cầu phải trồng rừng thay thế phù hợp điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học đối với diện tích rừng trồng mới trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu).

Báo cáo với Đoàn khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nêu 7 giải pháp của Bình Thuận trong bảo đảm an ninh nguồn nước, bao gồm: Tăng cường tích nước vào mùa mưa; nối mạng các hệ thống thủy lợi; kiên cố hóa kênh mương để tránh thất thoát nước; quy hoạch lại sản xuất; sử dụng nước tiết kiệm; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào thủy lợi; nghiên cứu việc lọc nước biển bằng năng lượng tái tạo cho đảo Phú Quý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác khảo sát tại hồ Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận  

Ảnh: Trung Thành 

Đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy lợi trọng điểm

Như vậy, với các dự án hồ chứa nước lớn đang đầu tư, hệ thống thủy lợi trên địa bàn cực Nam Trung Bộ cơ bản đã được hình thành, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tới đây, các địa phương sẽ tiếp tục kiên cố hóa hệ thống kênh dẫn nước để giảm tổn thất trong quá trình cấp nước, tránh lãng phí nguồn nước; bố trí kinh phí điều tra cơ bản về tài nguyên nước trên địa bàn song song với xác định rõ nhu cầu sử dụng nước phục vụ các ngành kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển theo hướng thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết, đặc điểm tự nhiên của mình, gắn với ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, khai thác và vận hành các hệ thống thủy lợi để sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Trong trao đổi với cán bộ chủ chốt hai tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh, trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, lượng mưa giảm tới 30%, đã chủ động ứng phó, khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất và cơ bản bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi trọng điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương thể hiện phương hướng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, như tập trung triển khai thực hiện quy hoạch thủy lợi sẵn có, xây dựng quy hoạch với tầm nhìn đến 2045, huy động tối đa các nguồn lực cho thủy lợi, ví dụ hồ lớn do Trung ương đầu tư, hồ vừa do địa phương còn hồ nhỏ do người dân tự làm... Đồng thời, có kế hoạch phân vùng sản xuất phù hợp với nguồn nước, chú ý xây dựng giá dịch vụ nước, tưới tiêu khoa học, dành kinh phí thích đáng cho duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi. Sớm sửa chữa các hồ chứa bị hư hỏng nặng. Rà soát việc phân cấp quản lý hồ chứa. Trên cơ sở đó, khẳng định đến năm 2025 cơ bản không để thiếu nước sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trần Văn
ĐBQH Khóa XII, XIII