Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh

Tiếp thêm hy vọng cho bệnh nhân tim mạch

- Thứ Bảy, 17/08/2019, 07:49 - Chia sẻ
“Nếu như trước đây với những ca điều trị tim mạch nặng, cần thực hiện kỹ thuật khó, chúng tôi đều phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, thì nay, bệnh viện đã hoàn toàn chủ động thực hiện điều trị tim mạch chuyên sâu, không chỉ giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, mà còn giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên” - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh Trịnh Văn Mạnh khẳng định.

Khởi đầu từ dự án ODA

Nhớ lại cách đây 4 năm, khi Bệnh viện được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện loại I, Giám đốc Trịnh Văn Mạnh chia sẻ, khi đó, mỗi năm có hàng trăm người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp nhưng phải vượt cả trăm cây số đưa về bệnh viện ở Hà Nội để cấp cứu. Vất vả, lo âu nhất vẫn chính là những người bệnh nghèo, ở ngoài đảo và vùng sâu, vùng xa, dù được người thân đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng cũng chỉ được điều trị bằng phác đồ nội khoa, giúp bệnh tạm ổn định rồi buộc phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên điều trị tiếp.

“Ban Giám đốc luôn mong muốn có một Trung tâm tim mạch hoàn chỉnh để khám, mổ tim, chụp động mạch vành, đặt stent và chữa các căn bệnh hiểm nghèo về tim mạch cho người bệnh. Thế nhưng, đó là điều không dễ thực hiện, bởi muốn xây dựng một trung tâm tim mạch thì phải hội đủ hai yếu tố là con người và cơ sở vật chất. Tức là phải có nguồn nhân lực vững tay nghề, hiểu biết chuyên môn sâu, say mê nghề nghiệp, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ phòng khám đến thiết bị y tế hiện đại” - Giám đốc Trịnh Văn Mạnh cho biết.

May mắn thay, sau khi thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã được lựa chọn là bệnh viện vệ tinh của Viện Tim mạch Quốc gia. Bệnh viện cũng được thực hiện Dự án “Đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị y tế cho bệnh viện, sử dụng vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Áo” với tổng mức đầu tư 327 tỷ đồng, để xây dựng Trung tâm Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch cùng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện thực hiện một dự án ODA có đến hơn 180 hạng mục với hệ thống thiết bị y tế tim mạch chuyên sâu, hồi sức cấp cứu hiện đại, ngang tầm trung tâm tim mạch của các bệnh viện tuyến Trung ương để mổ tim mở, nong động mạch vành, đặt stent động mạch vành và các mạch máu ngoại vi của động mạch thận, chân, tay; điều trị các rối loạn nhịp tim nguy hiểm, dễ gây tử vong.


Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại
Ảnh: Thảo Mộc

Nỗ lực vì người bệnh

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã làm chủ được hầu hết kỹ thuật trong danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành, trong đó có 1.774 kỹ thuật tuyến Trung ương. Nhờ đó, giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên còn 0,7%, bảo đảm khám bệnh ngoại trú cho khoảng 1.000 - 1.200 bệnh nhân/ngày, điều trị nội trú trên 1.000 giường bệnh; phẫu thuật cho khoảng 12.000 lượt người bệnh/năm.

“Kỹ thuật can thiệp tim mạch là một kỹ thuật khó, chuyên sâu, đòi hỏi công tác chuẩn bị phải rất kỹ, trình độ chuyên môn tay nghề cao. Vì vậy với mục đích nâng cao năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh cũng như mong muốn tiếp thu đầy đủ hơn nữa kỹ thuật cao từ tuyến Trung ương, Bệnh viện đã chủ động đào tạo nguồn nhân lực, nhận chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật can thiệp tim mạch. Thời gian qua, Ban Giám đốc Bệnh viện đã cử nhiều kíp y, bác sĩ tham gia các lớp đào tạo tại Viện Tim mạch Quốc gia, đào tạo tại chỗ và chuyển giao các gói kỹ thuật liên quan đến can thiệp tim mạch” - bác sĩ Trịnh Văn Mạnh cho biết.

Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh Phạm Việt Hùng chia sẻ, ở những đợt mổ đầu tiên, khi Trung tâm Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch mới đi vào hoạt động, Bệnh viện Việt Đức đã phải cử các kíp bác sĩ, điều dưỡng viên hỗ trợ và giám sát ở tất cả các khâu. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã có thể đứng độc lập và làm chủ gần như hoàn toàn trong các ca mổ tim thông thường, bảo đảm đáp ứng mọi yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình từ khi thăm khám, chẩn đoán bệnh, tiền phẫu cho đến khi thực hiện phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhân sau mổ.

Bệnh viện hiện đã có thể tự chủ nhiều kỹ thuật khó, như thực hiện chụp mạch vành qua da được 1.562 ca; can thiệp đặt stent mạch vành cho hơn 1.000 người bệnh viện; đặt máy tạo nhịp cho gần 100 ca; phẫu thuật tim mạch cho gần 50 trường hợp có bệnh lý tim mạch cần phải can thiệp phẫu thuật, nút mạch tạng cấp cứu trong chấn thương bệnh lý như vỡ gan, vỡ lách, nút mạch hóa chất điều trị ung thư... Thực hiện cấp cứu thành công nhiều trường hợp tai nạn nặng phức tạp, nguy kịch. Đặc biệt trong lĩnh vực can thiệp tim mạch đã duy trì triển khai được 90% kỹ thuật tuyến Trung ương và tổ chức 16 đợt mổ tim hở với tỷ lệ thành công cao.

Nhờ những nỗ lực từ phía các y, bác sĩ mà không ít bệnh nhân được cứu sống, trong đó có những trường hợp là người nước ngoài tới Quảng Ninh du lịch. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân người Hà Lan bị nhồi máu cơ tim khi tham quan tại đảo Tuần Châu, sau khi được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch, bệnh nhân đã dần hồi phục. Bệnh viện sau đó còn vinh dự nhận được thư khen của Đại sứ quán Hà Lan.

Gần đây nhất, ngày 18 - 19.5, các bác sĩ Bệnh viện đã triển khai mổ tim hở đợt 16 cho 3 bệnh nhân mắc các bệnh lý về van tim. Ngoài 2 ca mổ tim thông thường, kíp phẫu thuật còn thực hiện thành công một trường hợp khó và phức tạp. Đó là trường hợp của bà Bùi Thị Th. (58 tuổi) trú tại xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, từng thực hiện phẫu thuật nong van hai lá cách đây hơn 20 năm. Gần đây, bệnh nhân gặp tình trạng khó thở tăng, đau tức ngực trái, cơn đau kéo dài không thuyên giảm. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp khít hai lá, hở hai lá nặng, hở động mạch chủ, suy tim và rung nhĩ. Kíp phẫu thuật tim hở của Bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật thay van 2 lá, van động mạch chủ nhân tạo trên nền vết mổ cũ để phục hồi trái tim khỏe mạnh cho người bệnh.

Thảo Mộc