Quảng Ninh phát triển chương trình OCOP theo chiều sâu

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ

- Thứ Hai, 27/08/2018, 07:22 - Chia sẻ
Đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua trên địa bàn, nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp kiến nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người dân duy trì, phát huy chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo OCOP tỉnh VŨ THÀNH LONG: Đẩy mạnh tuyên truyền

Chương trình OCOP được triển khai với kỳ vọng hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ truyền thống có lợi thế theo chuỗi giá trị khép kín, gắn với định hướng thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cộng đồng, đặc biệt cho cư dân nông thôn, bảo đảm thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM… Thực tế, việc phát triển OCOP thời gian qua đã tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế mà Quảng Ninh là nơi khởi phát. Đây đồng thời là thách thức, đòi hỏi tỉnh tiếp tục có những bứt phá hơn nữa…

 Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức; bố trí các vùng sản xuất tập trung đối với sản phẩm; áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo quy định gồm: GMP, HACCP, VietGAP, GlobalGAP...; ký cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng; 100% sản phẩm OCOP phải thực hiện công bố Tiêu chuẩn áp dụng, tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy chuẩn...

Phó Trưởng phòng Kinh tế TX Quảng Yên ĐÀM CHÍ THIẾT: Nâng cao năng lực quản lý

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2017 - 2020, thị xã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai tích cực, từ thị xã xuống các xã, phường, cùng với đó tuyên truyền, giới thiệu tới đông đảo nhân dân về chương trình… Tuy nhiên, các sản phẩm truyền thống, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của địa phương, được người tiêu dùng ưa chuộng lại có thời hạn sử dụng ngắn, khó khăn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ…

Thời gian tới, đề nghị đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ phụ trách cấp huyện, xã, năng lực quản trị doanh nghiệp cho các tổ chức kinh tế tham gia OCOP; tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ mở rộng phát triển các sản phẩm cũ, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP…

Chủ cơ sở sản xuất ruốc tép Long Thương (TX Quảng Yên) NGUYỄN THỊ THU THƯƠNG: Hỗ trợ vốn thúc đẩy sản xuất

Hiện nay, các sản phẩm tại cơ sở sản xuất Long Thương gồm: Ruốc tép chưng thịt, tôm nõn chưng thịt, mắm tép chưng thịt và ruốc tôm đang được cung cấp trên toàn quốc. Sản lượng cung cấp cho thị trường mỗi ngày khoảng 50kg, và thị trường chủ yếu là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình… Ngày trước, khi chưa tham gia chương trình OCOP, chúng tôi chưa biết mô hình chuẩn, quy trình và những yêu cầu cụ thể. Khi tham gia Chương trình, các quy trình sản xuất ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể, sản lượng gấp 3 lần so với làm thủ công ngày trước; đồng thời, tham gia OCOP góp phần giúp cho người dân biết đến thương hiệu, sản phẩm của chúng tôi nhiều hơn.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo OCOP thị xã đã hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi chúng tôi tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm... Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiếu vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất. Do đó, mong muốn các cấp quan tâm, hỗ trợ vốn để chúng tôi thúc đẩy phát triển sản xuất.

HẢI PHONG thực hiện; Ảnh: Diệp Anh