Tìm giải pháp “giữ chân” người bệnh

- Chủ Nhật, 13/10/2019, 09:06 - Chia sẻ
Hiện nay, mỗi năm, người Việt Nam đang chi hàng tỷ USD để ra nước ngoài khám, chữa bệnh và nhu cầu này ngày càng tăng lên khi những quảng bá, chính sách thu hút người bệnh của các nước trong khu vực ngày càng hấp dẫn. Theo các chuyên gia, để có thể “giữ chân” người bệnh, ngành y tế và các bệnh viện cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đến xây dựng môi trường dịch vụ, cải thiện thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

“Chảy máu” 2 tỷ USD mỗi năm

Theo ước tính của Bộ Y tế, năm 2018 có khoảng 50 nghìn lượt người bệnh Việt Nam ra nước ngoài điều trị làm “chảy máu” nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD. Theo thống kê của Văn phòng đại diện Bệnh viện Singapore và Thái Lan tại Hà Nội, những năm qua các nhóm bệnh người Việt Nam thường đi ra nước ngoài chữa trị là ung thư, tim mạch, cơ xương khớp, ghép gan, ghép thận, chấn thương thể thao, dịch vụ về sinh sản... Ở nước ngoài, ghép gan, thận đắt hơn gấp đôi tổng chi phí tại Bệnh viện Việt Đức, trong khi ghép gan, thận trong nước đã được quỹ BHYT chi trả một phần.

Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh Phù Chí Dũng cũng cho biết, chi phí điều trị ở nước ngoài rất đắt đỏ, một ca ghép tủy tự thân ở Việt Nam khoảng từ 8.000 - 15.000 USD, trong khi chi phí ở Singapore thì gấp 10 lần, Đài Loan khoảng 5 lần. Thế nhưng tất cả các nước đều sử dụng cùng một phác đồ điều trị chung.

Lý giải nguyên nhân “chảy máu” ngoại tệ do người bệnh ra nước ngoài điều trị, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, do các cơ sở y tế trong nước mới chỉ tập trung vào giảm quá tải, khám, chữa bệnh thông thường mà chưa đầu tư phát triển kỹ thuật cao, chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe toàn diện. Một nguyên nhân khác khiến nhiều người bệnh ra nước ngoài chữa bệnh là ở đó có dịch vụ chăm sóc tốt, thái độ phục vụ tận tình và thân thiện từ nhân viên y tế và đội ngũ bác sĩ.

Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Triệu Vũ cũng chia sẻ, người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh cũng tương tự như người Việt Nam thích mua điện thoại của Hàn Quốc, Nhật, Mỹ... chứ ít khi mua điện thoại trong nước sản xuất. Theo đó, thứ họ hướng tới là sự mới mẻ, tiện nghi, công nghệ tiên tiến và sự yên tâm.


Các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện ca phẫu thuật nội soi với hệ thống robot Da Vinci Xi cho người bệnh ung thư
Nguồn: ITN

Từng bước cải thiện chất lượng phục vụ

Theo các chuyên gia y tế, con số khoảng 2 tỷ USD mỗi năm sẽ chưa dừng lại khi nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh của người Việt ngày càng tăng cao và những quảng bá, chính sách thu hút người bệnh của các nước trong khu vực ngày càng hấp dẫn. Để giải quyết bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng, nếu các bệnh viện xây dựng được khu khám, chữa bệnh chất lượng cao, những người có điều kiện kinh tế sẽ không phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Khi đó, người bệnh sẽ giảm được rất nhiều chi phí mà chất lượng không thua kém thế giới, còn bệnh viện lại có nguồn thu để tái đầu tư.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng đề án thu hút người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người Việt Nam có thu nhập cao khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong nước. Ðồng thời, xây dựng quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp với các đối tượng khác nhau. Các bệnh viện cũng đang có những chiến lược riêng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của những người bệnh có yêu cầu cao hơn.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều bệnh viện cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất hiện đại như bệnh viện Bạch Mai, Hữu nghị Việt Ðức, Nhi Trung ương, Nội tiết Trung ương… qua đó đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đặc biệt, mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đưa vào sử dụng dàn thiết bị hiện đại gồm máy cắt lớp vi tính 256 dãy, 512 lát cắt, máy cộng hưởng từ 3.0 và máy chụp mạch số hóa xóa nền. Hệ thống thiết bị hiện đại này cho phép phát hiện sớm những tổn thương về tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp, ổ bụng, lồng ngực... và cả ung thư nhờ hình ảnh chụp rõ nét, độ phân giải cao.

Bệnh viện K cũng vừa triển khai kỹ thuật điều trị xạ phẫu bằng Gamma Knife thế hệ Icon. Ðây là thế hệ máy xạ phẫu hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Nhờ đó, người bệnh không cần đi nước ngoài vẫn được hưởng các kỹ thuật cao ngay tại Việt Nam. Hiện tại, bệnh viện đã điều trị Gamma Knife thường quy cho các bệnh nhân u não và trong các bệnh lý khác về não như các khối u nguyên phát di căn vào não; u màng não, u thần kinh, u tuyến yên, u sọ, các u lành ở nền sọ, vùng tuyến tùng và tuyến yên, các dị dạng động tĩnh mạch... Ngoài ra, Bệnh viện K cũng vừa triển khai hệ thống Robot Da Vinci thế hệ Xi - đây là thế hệ Robot hiện đại nhất trên thế giới hiện nay để điều trị cho người bệnh ung thư đầu cổ, hạ họng thanh quản, phổi, thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan mật tụy, tiền liệt tuyến, bàng quang.

Ngoài việc nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị, giường bệnh, trình độ bác sĩ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, các cơ sở y tế cũng đang từng bước cải thiện chất lượng phục vụ; quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, tâm, sinh lý của người bệnh; cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, ngành y tế đang hướng tới bệnh viện hai không là không dùng tiền mặt và không giấy tờ; tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh...

Hiểu Lam