Lây nhiễm từ 2 học sinh mắc bệnh thủy đậu, nữ giáo viên bị biến chứng nặng

- Thứ Tư, 13/03/2024, 11:40 - Chia sẻ

Bệnh nhân là giáo viên có tiếp xúc với hai học sinh mắc bệnh thủy đậu. Ngưởi bệnh nhập viện trong tình trạng sốt cao 38 – 39 độ C kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, đa lứa tuổi, đa kích thước, không ngứa.

Trong thời gian gần đây, khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận rải rác các ca bệnh mắc thủy đậu kèm theo bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận…

Điển hình, trường hợp bệnh nhân V.T.O (nữ, Nam Định) nhập viện với chẩn đoán: Thủy đậu bội nhiễm viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn Lipid máu.

Qua khai thác thông tin, người bệnh có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp đã 7 năm. Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân là giáo viên có tiếp xúc với hai học sinh mắc bệnh thủy đậu. Cách vào viện 02 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 38 – 39 độ C kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, đa lứa tuổi, đa kích thước, không ngứa, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt nhưng bệnh không đỡ.

Tiếp xúc với 2 học sinh mắc bệnh thủy đậu, nữ giáo viên biến chứng nặng -0
Tình trạng bệnh nhân trước khi nhập viện (Ảnh:BVCC)

Bệnh nhân đau rát họng, ho nặng tiếng, ho nhiều, đờm vàng đục, đau nhức đầu và toàn thân. Trên da nhiều nốt phỏng đã vỡ viêm tấy đỏ và có mủ, kèm theo bệnh nhân tiểu tiện khó, tiểu buốt rắt. Tình trạng bệnh tiến triển tăng dần, sau đó bệnh nhân được người nhà đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

ThS. BS Phạm Hồng Quảng – Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, tình trạng lúc vào người bệnh mệt nhiều, háo khát, mất nước, có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc.

Bệnh nhân sốt cao 38,8o C, mạch 115 chu kỳ/phút, huyết áp 110/60 mmHg, nhịp thở 24 lần/ phút. Xét nghiệm đường máu cao giao động 17 – 20 mmol/L, HbA1c: 7,8 %, bạch cầu tăng cao 13,2 G/L, CRP 84.6 mg/L. Tổng phân tích nước tiểu: bạch cầu 125, Nitrit (+), Glucose niệu (+).

Tại đây, người bệnh đã được xử trí tích cực ngay lúc nhập viện bằng việc bù nước điện giải bằng đường truyền và uống, hạ sốt, kháng sinh tiêm truyền đặc hiệu chống bội nhiễm, thuốc ức chế virus Acyclovir đồng thời được tích cực kiểm soát đường huyết, huyết áp và các triệu chứng đi kèm .

ThS. BS Phạm Hồng Quảng cho biết thêm, thời gian gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận khá thường xuyên các ca mắc bệnh thủy đậu trên nền bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận… Hầu hết các ca bệnh đều vào viện trong tình trạng đường máu rất cao, rối loạn nước điện giải cần bù nước điện giải tích cực, kiểm soát đường máu bằng thuốc tiêm mặc dù trước đó người bệnh chỉ cần uống thuốc viên đường máu đã có thể kiểm soát tốt.

Hiện, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, đỡ mệt, hết sốt, hết tình trạng khát nước tiểu nhiều, tiểu hết đau buốt; đường máu kiểm soát tốt, các nốt phỏng nước thưa dần và nhiều nốt cũ đang thoái triển dần.

Tiếp xúc với 2 học sinh mắc bệnh thủy đậu, nữ giáo viên biến chứng nặng -0
Tình trạng bệnh nhân sau khi nhập viện (Ảnh:BVCC)

Theo bác sỹ Phạm Hồng Quảng, bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, thường gây các chùm ca bệnh, các ổ dịch nhỏ rải rác và đa phần là lành tính. Tuy nhiên, trên những người bệnh có bệnh lý mạn tính, sức đề kháng kém như đái tháo đường, suy thận, suy thượng thận bệnh dễ gặp các biến chứng như bội nhiễm da, mô mềm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi làm bệnh tiến triển nặng.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm cần cách ly tránh các nơi đông người như trường học, trụ sở làm việc để hạn chế lây truyền cho cộng đồng. Đặc biệt, với những bệnh nhân mắc các bệnh lý nội tiết như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận không nên chủ quan khi bị mắc các bệnh cấp tính như cúm A, B, covid-19, sốt xuất huyết, thủy đậu,…

Bởi việc điều trị các bệnh lý nền lúc này cần có sự điều chỉnh nhất định và điều trị tích cực hơn nếu không có thể sẽ gây ra những biến chứng cấp tính có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Do vậy, cần phải đưa người bệnh đi khám tại các cơ sở y tế ngay khi mắc các bệnh lý cấp tính, tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng, lúc vào viện sẽ rất khó khăn cho công tác điều trị.

Xuân Qúy
#