Nhận diện và nắm bắt cơ hội tăng trưởng đột phá thị trường làm đẹp tại Việt Nam

- Thứ Bảy, 20/04/2024, 07:44 - Chia sẻ

Tại Diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững", các chuyên gia đã chỉ ra những cơ hội để thị trường  ngành làm đẹp của Việt Nam tăng trưởng đột phá.

Ngày 19.4, Diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững” được Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm phối hợp với các Hiệp hội/ Hội trong ngành làm đẹp, tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và tiềm năng ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam. Diễn đàn là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Triển lãm Vietnam Beautycare Expo 2024. 

Xu hướng đầu tư, kinh doanh ngành mỹ phẩm bền vững tại Việt Nam 2024 

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Cục quản lý Dược, Bộ Y tế, Chu Quốc Thịnh cho biết, ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vẫn là ngành công nghiệp non trẻ, nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất trong nước 965 cơ sở tuy nhiên chỉ 35 cơ sở sản xuất trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của Asean. 

Cùng với đó, với chiến lược truyền thông mạnh, các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài đã chiếm lĩnh thị phần lớn. Vì thế, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 30% số lượng sản phẩm mỹ phẩm được công bố nên chỉ có thể trụ lại ở phân khúc giá rẻ. 

Các nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm. Các thương hiệu mỹ phẩm Việt, do đó đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ. Thêm vào đó, ngành Mỹ phẩm đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu về môi trường, an toàn và chất lượng sản phẩm.

Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành làm đẹp nói chung, ngành mỹ phẩm nói riêng vẫn còn nhiều cơ hội. Theo dự báo, năm 2024 và những năm tiếp theo thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo EuroMonitor International, thực tế, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 6% và dự báo năm 2026 đặt 3,5 tỷ USD, điều này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường này.

Tuy nhiên, để phát triển, doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, tính nền vững, đổi mới công nghệ và tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì sự linh hoạt, thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Hiện nay, xu hướng thị trường đang chuyển đổi sang sản phẩm organic, sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, các thương hiệu cần tìm cách cập nhật và phát triển sản phẩm của mình để đáp ứng được nhu cầu này. Các nhà sản xuất phải không ngừng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời phải tìm cách tăng tính cạnh tranh và thu hút khách hàng.

Đào tạo là then chốt để nâng tầm chất lượng nghề làm đẹp Việt Nam

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội Đào tạo phát triển nghề làm đẹp Việt Nam Nguyễn Oanh chia sẻ, Thị trường làm đẹp Việt Nam là thị trường tiềm năng có tốc độ phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực.

Nếu như năm 2000 có 100 thẩm mỹ viện và Beauty Salon, thì năm 2020 lên tới 5.000 các thẩm mỹ viện, Beauty Salon. Theo các nhà nghiên cứu thị trường làm đẹp Việt Nam dự kiến năm 2025 sẽ lên đến 10.000 các thẩm mỹ viện, Beauty Salon. Nghề làm đẹp thuộc top nghề có mức thu nhập lý tưởng và là nghề có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. 

Theo bà Nguyễn Oanh, mặc dù có tiềm năng lớn để phát triển nhưng nghề làm đẹp Việt Nam đang gặp phải một số tồn tại, đó là: Sự nở rộ của thị trường làm đẹp hiện nay đặt ra nhu cầu lớn về nguồn lực nhân sự chất lượng cao được đào tạo bài bản.

Khách hàng có nhu cầu được chăm sóc bởi những kỹ thuật viên phải có kỹ năng, kiến thức về nghề, về an toàn sức khỏe, về mỹ phẩm, các hoạt chất làm đẹp.

Các cơ sở đào tạo và các cá nhân đào tạo đua nhau mọc lên mà không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền nên chất lượng đầu ra của chuyên viên còn non yếu.

Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ bao nhiêu % nhân sự ngành thẩm mỹ được đào tạo tại các đơn vị, tổ chức giáo dục đủ năng lực và được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chuyên môn.

Các cơ sở đào tạo và các cá nhân đào tạo đua nhau mọc lên mà không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền nên chất lượng đầu ra của chuyên viên còn non yếu.

Hoạt động đào tạo trong ngành làm đẹp hiện nay diễn ra chủ yếu dưới hình thức truyền nghề, nhân sự lâu năm dạy cho người mới, chủ yếu là tự dạy nhau, các kỹ thuật viên phần nhiều học nghề từ chính các spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện…

Từ thực trạng nghề làm đẹp, bà Oanh đã đưa ra một loạt giải pháp nhằm nâng tầm chất lượng nghề làm đẹp:

Hệ thống pháp luật xuyên suốt từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố là sự phối hợp các ban ngành quản lý nhà nước.

Chiến lược rõ ràng, những bước đi bài bản và không ngừng đổi mới. Có chế tài quy định rõ ràng và chặt chẽ.

Lĩnh vực làm đẹp cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu.

Phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ từ khâu đào tạo, nghiên cứu, sản xuất hóa mỹ phẩm đạt chuẩn.

Phó Chủ tịch Hội Đào tạo phát triển nghề làm đẹp Việt Nam khẳng định, đào tạo chiếm vị trí then chốt để nâng tầm chất lượng nhân sự nghề làm đẹp trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp, Hiệp hội chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu làm đẹp. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển thị trường làm đẹp Việt Nam bền vững.

Tin và Ảnh: Quốc Việt
#