Tọa đàm “Tìm kiếm cứu nạn hàng hải tạo môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong phát triển kinh tế biển”

- Thứ Tư, 13/09/2017, 21:13 - Chia sẻ
Với hơn 3.200km chiều dài bờ biển và hơn 1 triệu km2 mặt biển, vùng biển Việt Nam lại nằm cận kề tuyến hành trình quốc tế quan trọng nên các hoạt động hàng hải nơi đây diễn ra rất nhộn nhịp… Cùng với việc khai thác tiềm năng lợi thế từ kinh tế biển cho hiệu quả kinh tế cao thì hoạt động hàng hải trên biển cũng luôn ẩn chứa tai nạn, hiểm họa.

Nhằm chia sẻ các giải pháp góp phần giảm thiểu thiệt hại thấp nhất những tai nạn từ hoạt động hàng hải, khai thác kinh tế trên biển có thể xảy ra, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong lĩnh vực hoạt động kinh tế biển; nâng cao năng lực Trung tâm tìm kiếm tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam trong phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tìm kiếm cứu nạn hàng hải tạo môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong phát triển kinh tế biển”.

Toàn cảnh buổi tọa đàm  Ảnh: Lâm Hiển 

Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm:

- Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm  Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;

- Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội;

- Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;

- Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng;

- Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam.

Tọa đàm nhằm chia sẻ ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ hàng hải, qua đó tìm các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này; góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên biển, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế về lĩnh vực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển một cách chủ động và tích cực.

Trân trọng kính mời độc giả theo dõi nội dung Tọa đàm tại đây:

Tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong phát triển kinh tế biển

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Với điều kiện vị trí địa lý tự nhiên của nước ta có có bờ biển dài hơn 3.200 km, hơn 1 triệu km2 mặt biển, lại nằm cận kề tuyến hành trình quốc tế quan trọng từ châu Á đi các nước và từ các nước đến Đông Bắc, Nam Á… Đây là khu vực biển nhộn nhịp vào ra, là nơi các hoạt động của ngư dân, hoạt động kinh tế biển của Việt Nam diễn ra sôi động nên trên biển luôn có nhiều loại hình phương tiện thuộc nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, đây là khu vực thiên tai hoành hành. Hàng năm, trên biển Đông thường xuất hiện khoảng từ 10 – 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5 – 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Việt Nam… Vì vậy, tình hình tai nạn, sự cố trên biển và các nguy cơ dẫn đến tai nạn, sự cố đối với hoạt động giao thông trên biển Việt Nam luôn xảy ra và có chiều hướng tăng lên là điều không thể tránh khỏi.

Câu hỏi đầu tiên, xin được hỏi ông Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội- cơ quan giám sát về lĩnh vực này: Theo Ông, công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải đang, đã và sẽ giữ vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế biển?

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội  Ảnh: Lâm Hiển 

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Hiện nay, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đang giúp UBTVQH thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Qua Báo cáo giám sát cho thấy, tình hình biển Đông trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh có tầm quan trọng trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, bên cạnh những thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng liên quan đến phát triển kinh tế biển trong đó có việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản thì cũng có nguy cơ, thách thức đan xen, gắn giữa việc bảo vệ chủ quyền của chúng ta với phát triển kinh tế biển trong lĩnh vực này.

Chúng ta đều biết, những tranh chấp trên biển Đông ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hòa bình, ổn định để chúng ta phát triển kinh tế biển, chính vì vậy việc gắn kết giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh là yêu cầu có tính chiến lược, cũng là yêu cầu có tính cấp bách trong tình hình hiện nay.

Chúng ta đã đạt những thành tựu, tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, chính sách chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn chế, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trên biển chưa thật sự chặt chẽ.

Trên biển hiện có rất nhiều lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền của chúng ta nhưng đồng thời cũng nhiều lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên biển. Đối với quân đội có ba lực lượng: hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển. Về mặt quản lý nhà nước có kiểm ngư. Ngoài ra có lực lượng cứu hộ, cứu nạn hàng hải.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là cương quyết bảo vệ chủ quyền trên cơ sở phát triển kinh tế biển, tạo tiềm lực quốc phòng, an ninh, đồng thời tạo thế trận quốc phòng an ninh trên biển. Nên sự hiện diện của tất cả các lực lượng trên biển đều góp phần khẳng định chủ quyền của chúng ta, trong đó có lực lượng cứu hộ, cứu nạn hàng hải. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn hàng hải cũng là một phần rất quan trọng cấu thành lực lượng cứu hộ, cứu nạn của chúng ta. Vừa rồi chúng ta cũng biết, một số vụ tai nạn, sự cố trên biển liên quan đến quốc phòng, an ninh thì lực lượng cứu hộ, cứu nạn hàng hải tham gia hỗ trợ rất tích cực trong các sự cố này.

Thứ hai, trong tình hình hiện nay, với chủ trương phát triển lực lượng đánh bắt xa bờ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thì rõ ràng các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là những ngư trường vừa mang tính truyền thống nhưng đồng thời là ngư trường thể hiện chủ quyền khi có sự hiện diện của ngư dân. Do vậy, việc bảo đảm và niềm tin cho người dân đánh bắt xa bờ chính là nhờ các lực lượng bảo hộ chủ quyền trên biển khi có sự cố. Khi đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn hàng hải là lực lượng nòng cốt, chủ chốt để tham gia cứu hộ, cứu nạn cho đồng bào, tạo niềm tin cho ngư dân, nhất là trong điều kiện đội tàu dù chúng ta đã được đóng mới nhưng khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, trong vai trò của các lực lượng bảo đảm an ninh trên biển gắn với việc phát triển kinh tế thì vai trò lực lượng cứu hộ, cứu nạn hàng hải rất quan trọng.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Hiện nay, để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế biển, đội tàu biển của Việt Nam có gần 1.700 tàu. Đội tàu khai thác, đánh bắt thủy sản có hơn 125.000 chiếc, trong đó có khoảng 25.000 tàu đánh bắt cá xa bờ, số lao động trực tiếp trên 1 triệu người; hoạt động đánh bắt thủy, hải sản diễn ra hầu như quanh năm; ngành kinh tế biển khác cũng ngày càng phát triển. Đi theo đó là việc bảo vệ an toàn và cứu hộ, cứu nạn được tăng cường.

Vậy thưa ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng hải đối với việc phát triển kinh tế biển nói chung và đối với hoạt động khai thác nguồn lợi thủy hải sản từ biển của bà con ngư dân nói riêng?

Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm  Ủy ban Pháp luật của Quốc hội  Ảnh: Lâm Hiển 

Ông Trương Minh Hoàng: Như chúng ta biết, Việt Nam có nhiều bề mặt giáp biển (riêng ở Cà Mau có 3 bề mặt giáp biển), và diện tích mặt nước biển thuộc chủ quyền hơn 1 triệu km2. Vùng biển Việt Nam là nơi có nhiều hoạt động giao thương với nhiều đường hàng hải quốc tế lớn đi qua. Vì vậy, ngoài tàu thuyền Việt Nam còn có tàu thuyền của các nước bạn hoạt động. Bên cạnh đó, số lượng tàu, thuyền hoạt động vận tải và đánh bắt trên vùng biển này cũng rất lớn.

Thực tế này cùng với nhiều yếu tố khác như tình trạng biến đổi khí hậu gây ra các trận bão và thời tiết bất thường khiến cho các sự cố trên biển diễn biến rất nhanh và phức tạp. Theo số liệu của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng từ 300 đến 500 vụ cứu hộ trên biển ở nước ta. Tuy nhiên, con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Đơn cử, những số liệu mà chúng tôi có được cho thấy, chỉ tính riêng năm 2014, tại các vùng biển xảy ra tai nạn, số vụ mà các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, các phương tiện giúp đỡ lẫn nhau ở ngoài khơi cũng như ven biển thuộc chủ quyền Việt Nam là trên 1.000… Như vậy, ngoài lực lượng tham gia chủ động và có vai trò chính là Trung tâm, thì các lực lượng tham gia phối hợp, trong đó có các ngư dân cũng hầu như luôn sẵn sàng hỗ trợ và tiếp ứng khi các ngư dân và tàu thuyền khác gặp sự cố. Thực sự, chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm đó của bà con ngư dân.

Hiện nay, lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn hàng hải chuyên trách đang góp phần rất lớn trong việc giúp bà con ngư dân thực hiện vai trò khai thác các nguồn lợi thủy sản, từ đó phát triển kinh tế. Ngược lại, sự tham gia của ngư dân còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền mặt biển của Việt Nam. Tôi cũng đồng tình với ý kiến là, lực lượng cũng như số lượng các phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam hiện nay còn mỏng và thiếu.

Mong rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần phải quan tâm hơn đến vấn đề này để bà con ngư dân an tâm bám biển, vươn ra xa khơi nhằm khai thác được thế mạnh của vùng biển Việt Nam trong phát triển kinh tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh. Khi ngư dân khi ra khơi đánh bắt có ý thức lắng nghe các thông tin phối hợp từ các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, thì khi có vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng sẽ có những cách thức, phương hướng để bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên vùng biển Việt Nam.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Hàng năm, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thu nhận và xử lý từ 300 - 500 thông tin báo nạn; Cứu, hỗ trợ được hàng nghìn người và hàng chục phương tiện bị nạn trên biển. Cụ thể, năm 2016, Trung tâm đã thực hiện 414 vụ cứu nạn, cứu và hỗ trợ 932 người thì trong 7 tháng đầu năm 2017, Trung tâm đã thực hiện 242 vụ cứu nạn, cứu và hỗ trợ 577 người, trong đó có 42 người nước ngoài và nổi bật là vụ cứu nạn tàu Hải Thành 26 - BLC chìm tại vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 28.3. Như vậy, có thể thấy, do nhu cầu hoạt động phát triển kinh tế biển ngày một gia tăng trong khi yếu tố thiên tai không lường trước được… Theo đó, sự cố, tai nạn trên biển luôn rình rập thường xuyên mọi hoạt động trên biển.

Vậy thưa ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn từ góc độ nhu cầu thực tế phát triển kinh tế biển, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam?

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  Ảnh: Lâm Hiển 

Ông Phùng Văn Hùng: Tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa X, ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% – 55% tổng GDP của cả nước…”. Đây là mục tiêu hết sức lớn nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta, nếu chúng ta phát triển kinh tế biển đúng hướng và bằng những giải pháp tích cực, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh trên biển. Bên cạnh đó, đất nước ta điều kiện còn khó khăn, vì vậy thu hút nguồn lực từ nước ngoài hết sức quan trọng. Nhưng để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác tài nguyên trên biển, khai khoáng, du lịch, cũng như vận tải biển họ phải được biết đầu tư của họ được an toàn trên biển.

Tôi đánh giá cao cơ quan cứu hộ, cứu nạn trên biển, cụ thể là Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam hết sức quan trọng, trước tiên bảo đảm rằng tất cả những tai nạn xảy ra trên biển phải được kịp thời phát hiện, cứu chữa, với năng lực đủ để xử lý vụ việc xảy ra trong mọi tình huống; bảo đảm cho người dân yên tâm bám biển khẳng định chủ quyền. Chủ quyền của chúng ta chỉ được khẳng định nếu người Việt Nam chúng ta có mặt ở đó khai thác khoáng sản trên vùng biển của Việt Nam. Vì vậy, cần đẩy mạnh, phát huy hơn nữa vai trò cứu nạn trên biển; tạo được niềm tin của nhà đầu tư cũng như của người dân trong khi hoạt động khai thác các tiềm năng trên biển Việt Nam.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Xin được hỏi ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Hải Phòng là nơi có vùng biển và tàu bè ra vào tấp nập, thường xuyên, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp Hải Phòng  Ảnh: Lâm Hiển 

Ông Bùi Thanh Tùng: Có bốn mảng hoạt động chính trên biển gồm: các hoạt động cảng biển, hoạt động vận tải biển; hoạt động khai thác thủy sản trên biển; các hoạt động khai khoáng và hoạt động du lịch, thì cả bốn mảng hoạt động này, Hải Phòng đều có cả và diễn ra tấp nập. Xuất phát từ thực tế, Hải Phòng là một địa bàn có thể nói là thành phố công nghiệp cảng biển đồng thời là trung tâm phát triển kinh tế biển phía bắc. Theo thống kê, riêng về hoạt động cảng biển, thành phố cảng Hải Phòng thuộc loại tấp nập nhất khu vực, là cửa chính ra biển phía bắc, với sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng hiện nay trung bình trên 70 triệu tấn một năm… Số lượng tàu thuyền đánh bắt, khai thác hải sản của TP Hải Phòng là trên 6.000 tàu thuyền thường xuyên hoạt động trên cảng biển, trong đó có khoảng 500 tàu đánh bắt xa bờ. Ngoài ra, Hải Phòng cũng là khu vực nuôi trồng thủy sản lớn trên biển với trên 500 tàu bè đánh cá và vài nghìn âu, lồng. Bên cạnh đó, trên vùng biển Hải Phòng hiện có trên 30 dự án thăm dò đầu tư về khai thác khoáng sản đang triển khai; du lịch Hải Phòng cùng Quảng Ninh và một số khu vực khác phát triển.

Và trong bối cảnh phát triển kinh tế biển như vậy, chúng tôi có một vấn đề là khí hậu biển khó lường, tần suất thiên tai gia tăng và có chiều hướng khắc nghiệt hơn. Theo đánh giá chung, trung bình tần suất xuất hiện thiên tai hàng năm của Hải Phòng là từ 8 đến 19 lần/năm và như vậy, nguy cơ về mất an toàn, nguy cơ sự cố tai nạn là rất lớn. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, trung bình một năm trên vùng biển TP Hải Phòng có khoảng từ 130 – 140 tai nạn/năm!

Hải Phòng coi hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển là vô cùng quan trọng. Tôi cũng thống nhất với quan điểm, cứu hộ, cứu nạn trên biển là sự phối hợp lực lượng nhất là các lực lượng chuyên trách và lực lượng bán chuyên trách kể cả trung ương và địa phương. Qua đó, theo tôi, việc tăng cường vai trò Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của chúng ta đối với tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, trách nhiệm của quốc gia có biển. Thứ hai, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là khá rõ ràng: Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam là lực lượng chuyên trách duy nhất được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với lực lượng khác kể cả Trung ương và địa phương từ khâu tiếp nhận thông tin về tai nạn cũng như xây dựng phương án tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức triển khai cứu hộ, cứu nạn. Như vậy, vai trò của trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hàng hải Việt Nam là không thể phủ nhận và càng phải được quan tâm trong thời gian tới.

Phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hàng hải- khó khăn và thách thức

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thực tế cho thấy, sự hiện diện của lực lượng cứu hộ, cứu nạn hàng hải Việt Nam không chỉ là điểm tựa, niềm tin của người đi biển, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân, thuyền viên,… mà còn khẳng định chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam. Theo đó, hợp tác quốc tế trong công tác tìm kiếm, cứu nạn đóng vai trò hết sức quan trọng, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, một quốc gia biển, trong công tác bảo đảm an toàn cứu hộ, cứu nạn cho người và phương tiện khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

Xin được hỏi ông Nguyễn Anh Vũ: Việt Nam đã chủ động tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm an toàn và tìm kiếm cứu nạn trên biển như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam  Ảnh: Lâm Hiển 

Ông Nguyễn Anh Vũ: Với vùng biển rất rộng lớn hàng triệu cây số vuông nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong chiến lược hội nhập sâu rộng của nền kinh tế trong khu vực và thế giới, từ những năm đầu của thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, Bộ Giao thông, Vận tải đã tham mưu cho Chính phủ tham gia nhiều công ước quốc tế về bảo đảm an toàn và tìm kiếm, cứu nạn, trong có những công ước như: Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển - SOLAS-74; Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979 (Công ước SAR 79)… Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 28 hiệp định và 26 công ước quốc tế song phương và đa phương. Việc tham gia các công ước này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là quốc gia có biển cũng như một hình thức khẳng định vị thế, chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Với việc tham gia công ước này, các quốc gia có quan hệ làm ăn với Việt Nam, tàu thuyền đến, rời Việt Nam, đi qua vùng biển Việt Nam rất yên tâm với những nghĩa vụ và trách nhiệm của Việt Nam khi thực hiện vai trò là thành viên của công ước. Đối với Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Trung tâm là đầu mối quốc gia về hợp tác và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển trong ASEAN.

Trên thực tế, chúng tôi cũng triển khai rất mạnh mẽ những hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập xử lý thông tin với các quốc gia ASEAN, với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ để nâng cao khả năng ứng phó khi xảy ra tình huống cũng như trao đổi, tạo kênh liên lạc hữu hiệu trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn khi xảy ra sự cố.

Khi xảy ra các tình huống báo nạn, Trung tâm cũng thường xuyên cung cấp thông tin báo nạn, cung cấp tình huống bị nạn xảy ra trên vùng biển Việt Nam cho các đối tác liên quan. Trên thực tiễn, rất nhiều vụ tai nạn xảy ra giữa tàu thuyền nước ngoài trên vùng biển Việt Nam cũng như tàu thuyền Việt Nam trên vùng biển nước ngoài cũng đều được Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phối hợp với các Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải các nước triển khai rất tích cực. Ví dụ như hoạt động tìm kiếm máy bay MH370, tìm kiếm máy SU – 30 và CASA 212, hay tàu Vinalines Queen…

Trên vùng biển Việt Nam, theo thống kê đến ngày 12.9.2017, Trung tâm cũng đã cứu, hỗ trợ được 67 người nước ngoài bị nạn trên vùng biển Việt Nam; trong đó có vụ điển hình ngày 19.8 vừa qua, Trung tâm đã cứu nạn thành công 20 thuyền viên Trung Quốc gặp nạn trên tàu Yangtze Harmony chạy ngang qua vùng biển Việt Nam.

Về khả năng ứng phó tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Việt Nam hiện nay được đánh giá khá cao trong khu vực ASEAN.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Bằng những việc làm và hành động mang tính nhân đạo rất cao, đồng thời hoạt động của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn, đó là sự khẳng định chủ quyền trên biển. Bất cứ khi nào có thông tin cần trợ giúp, cứu nạn trên biển, dù trong điều kiện khắc nghiệt ra sao, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hàng hải cũng phải có mặt kịp thời. Theo đó việc xây dựng để bảo đảm đây phải là lực lượng tinh nhuệ nhất, chủ công trong tìm kiếm cứu nạn trên biển, thưa ông Bùi Thanh Tùng?

Ông Bùi Thanh Tùng: Tôi rất phấn khởi khi được biết là năng lực tìm kiếm, cứu nạn hàng hải của nước ta lọt vào top khá của ASEAN. Chủ quyền biển đảo, phát triển, bảo đảm an ninh kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng đã và đang là chủ đề rất được quan tâm nhưng theo tôi sẽ phải cần phải được chú trọng hơn nữa. Tôi nhận thấy, các hoạt động của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam ngoài tính nhân đạo còn có ý nghĩa chính trị, khẳng định chủ quyền trên biển. Bởi vì các tổ chức, các cá nhân hoạt động trên biển chỉ có thể yên tâm và vững tin trong các hoạt động của mình khi thấy mình được an toàn và được hỗ trợ trong trường hợp gặp tai nạn, sự cố.

Hiện nay, một mặt chúng ta đang khuyến khích ngư dân vươn ra biển xa, mặt khác lại tăng cường các hoạt động giao thông, vận tải hàng hải để tăng cường giao lưu với các quốc gia trên thế giới thông qua hoạt động vận tải biển, cảng biển, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Và cái cần nhìn nhận thứ ba là tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến sự khó lường của thời tiết, thiên tai. Trong trường hợp đó, nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn phải thực sự đáp ứng được hai yêu cầu: Một là phải rất kịp thời, hai là phải đáp ứng được tất cả những điều kiện khắc nghiệt ở trên biển. Để bảo đảm được hai cái yêu cầu đó, chúng ta phải tập trung đầu tư sao cho lực lượng chuyên trách mang tính chất phối hợp đầu mối này phải thực sự tinh nhuệ với hệ thống trang thiết bị hiện đại, bảo đảm vượt qua được những khắc nghiệt nhất trên biển. Để khi có thông tin về tai nạn trên biển, lực lượng trên có thể tiếp cận nhanh nhất các đối tượng gặp nạn, vừa xử lý tốt công tác cứu hộ cứu nạn nhưng đồng thời phải bảo đảm an toàn cho chính đội ngũ đi cứu hộ cứu nạn.

Có một ý nữa mà chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là, năng lực tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng địa phương trong thời điểm hiện tại rất hạn chế. Như Hải Phòng, mặc dù cũng được trung ương đầu tư nhiều, nhưng các tàu tìm kiếm cứu nạn, kể cả của lực lượng biên phòng, chỉ men được theo khu vực ven bờ. Cảnh sát biển cũng chỉ vươn xa hơn một chút hoặc lực lượng kiểm ngư chỉ có mấy cái tàu nhỏ, nên trong những trường hợp có sự cố tai nạn ở vùng biển xa, các lực lượng tại địa phương và các lực lượng bán chuyên trách không thể đảm nhận nhiệm vụ một cách thực sự hiệu quả. Trong trường hợp đó, chỉ có lực lượng chuyên trách như Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam mới có thể đóng vai trò chủ công. Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta cần phải quan tâm, đầu tư có trọng điểm, trọng tâm cho lực lượng này để đây thực sự là lực lượng tinh nhuệ, chủ công nhất trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.


Ảnh: Lâm Hiển

Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Có thể thấy do nhu cầu hoạt động phát triển kinh tế biển ngày một gia tăng, yếu tố thiên tai cũng không hề giảm… Theo đó, sự cố, tai nạn trên biển luôn rình rập thường xuyên mọi hoạt động trên biển. Tuy nhiên, do trên biển có nhiều loại hình phương tiện thuộc nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước cùng tham gia hoạt động, vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan, những tai nạn, sự cố trên biển thường xuyên xảy ra ở những mức độ trầm trọng khác nhau… Vậy thưa ông Nguyễn Anh Vũ, những khó khăn đang đặt ra cho công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Anh Vũ: Như chúng ta đã biết, vùng biển Việt Nam rất rộng lớn, trên đó có hoạt động của đội tàu cá trên 100.000 phương tiện; khoảng 1.000 tàu biển; hoạt động của các tàu thuyền quốc tế qua lại vùng biển Việt Nam; hoạt động của tàu thuyền Việt Nam; hoạt động tuyến bờ đảo. Vài năm trở lại đây, hoạt động này rất nhộn nhịp. Tôi xin đưa ra một vài số liệu đơn giản: Tăng trưởng thủy sản năm nay có thể đạt 5%; hàng hóa thông qua cảng biển có thể tang trưởng trên 10% và hoạt động hành khách qua lại các tuyến bờ đảo của chúng ta những năm gần đây tăng trưởng trên dưới 20%.


Nguồn: ITN 

Đi đôi với việc tăng trưởng như vậy thì mật độ tàu thuyền hoạt động rất lớn. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là một thách thức rất mới, trọng trách mới đặt lên vai những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn những yêu cầu hết sức nặng.

Thứ hai là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động trên biển trong đó có nhiều cơn bão, nhiều áp thấp nhiệt đới hơn so với trước đây. Nhiều cơn bão là siêu bão, hoạt động không theo quy luật nào cả…, chúng ta không thể xem nhẹ. Thứ hai là gió mùa, trước đây gió mùa chỉ có hai đợt là gió mùa Đông Bắc ở vùng biển phía Bắc vào dịp cuối năm và gió mùa Đông Nam ở khu vực phía Nam vào dịp đầu năm nhưng cho đến nay gió mùa diễn ra quanh năm và dài ngày, cấp gió đo nhiều đợt gió mùa tương đương cấp bão, cấp 8, 9 thậm chí giật trên cấp 9 đòi hỏi chúng ta phải có những kế hoạch xử lý tương ứng với những thách thức, những điều kiện thời tiết đặt ra.

Trong tháng 7 vừa rồi, chúng ta cũng đã được chứng kiến 5 cơn bão hình thành trên biển Đông trong đó có cơn bão số 2 vào khu vực Bắc miền Trung đã gây ra những thiệt hại rất lớn, nhiều tàu thuyền chìm đắm, đặc biệt vụ chìm tàu VTB 26 ở Nghệ An đã làm 6 người đã chết và mất tích, cho đến nay vẫn còn 2 người mất tích chúng tôi vẫn đang tích cực tìm kiếm.

Thứ ba, nhận thức pháp luật của nhiều chủ tàu, ngư dân và người đi biển còn hạn chế nên ý thức phòng ngừa tai nạn rủi ro thấp. Ví dụ, nhiều tàu thuyền, đặc biệt tàu thuyền thủy sản bố trí đội ngũ thuyền viên không được đào tạo về hàng hải, thủy sản trên tàu; kỹ năng xử lý tình uống khẩn cấp còn lúng túng; rất nhiều tàu cá hiện nay trang bị thô sơ, nghèo nàn, thiếu bị cứu sinh, cứu hỏa, thông tin liên lạc, sử dụng máy cũ, hoặc có tàu có tuổi đời cao cộng với việc không có chế độ bảo dưỡng định kỳ dẫn đến tình trạng hay bị sự cố bất ngờ trên biển như: hỏng máy chính không khắc phục được, tàu bị phá nước do thân tàu mục nát, tàu bị chìm đắm bất ngờ… Việc nhiều thuyền trưởng không có bằng cấp, nhiều con tàu được đưa vào khai thác có trang bị thô sơ, thiếu thốn khi ra khơi rất khó để đảm bảo một chuyến hành trình trên biển an toàn và chủ động. Theo thống kê của chúng tôi thì số vụ tai nạn xảy ra đối với tàu cá hàng năm chiếm tới hơn 80% tổng số vụ tai nạn.

Thứ tư, như ông Nguyễn Thanh Hồng đã đề cập là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông, đây cũng là một khó khăn cho công tác tìm kiếm, cứu nạn, đặc biệt là tìm kiếm cứu nạn khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta.

Thứ năm, lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam còn mỏng, thiếu. Cả một vùng biển rộng lớn như thế chúng tôi chỉ có 7 tàu tìm kiếm cứu nạn, 4 cơ sở hậu cần, còn rất nhiều khu vực trống trải như Tây Nam Bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, một số vùng biển đảo…

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Là địa phương có hoạt động kinh tế biển rất nhộn nhịp, thưa ông Bùi Thanh Tùng, ông có những đánh giá gì về mức độ quan tâm đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả hoạt  động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hàng hải hiện nay? Và cụ thể ở địa phương ông, sự quan tâm đến hoạt động này như thế nào?

Ông Bùi Thanh Tùng: Hiện nay, biến đổi khí hậu có tác động rất mạnh đến hoạt động kinh tế biển với rất nhiều yếu tố khó lường. Vì vậy, đối với các hoạt động ở trên biển, chúng ta phải quan tâm trước hết đến công tác phòng và chống thiên tai, trong đó bao gồm cả bao gồm cả khâu thông tin dự báo lẫn các công tác chuẩn bị khi thiên tai đến. Tiếp đến là phải nâng cao ý thức của người dân về việc phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, cần thiết phải trang bị cho các tổ chức, các cá nhân hoạt động trên biển những phương tiện cần thiết để kịp thời có những thông tin thiên tai, tránh những tai nạn đáng tiếc.

Tôi xin chia sẻ tình hình ở địa phương là, cuối năm 2015, cơn bão Sơn Tinh rất lớn đã đổ bộ vào Hải Phòng mà tâm điểm chính là Cát Bà, Cát Hải trong khi trước đó tất cả các phương tiện dự báo và thậm chí cả những người có kinh nghiệm đi biển lâu năm đều nhận định rằng nó sẽ đổ bộ vào Nghệ An, Hà Tĩnh. Đó là một cơn bão gây thiệt hại rất nặng nề. Mặc dù chúng tôi đã có những phương án phòng, chống rất tích cực nên cũng giảm thiểu tối đa các thiệt hại nhưng rõ ràng đây là một thực tế khó lường. Hiện rất nhiều cơn bão diễn biến phức tạp mà các kinh nghiệm thực tế không thể đoán được. Chính vì vậy, công tác dự báo, phòng, chống thiên tại có vai trò thực sự quan trọng. Và từ thực tế địa phương, chúng tôi thấy trong những năm qua, đảng, nhà nước và đặc biệt chính phủ đã rất quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai nói chung cũng như các công tác tìm kiếm cứu nạn nói riêng. Đặc biệt là Nghị định 66 năm 2014 của Chính Phủ yêu cầu tất cả các địa phương phải thành lập các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã;  thực hiện ứng trực 24/24; xây dựng các quy chế phối hợp giữa các lực lượng vũ trang,  lực lượng chuyên trách và trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, hàng hải với các lực lượng địa phương ở cấp tỉnh, huyện, thậm chí là các đơn vị cấp xã.

Trong những năm vừa qua, Hải Phòng cũng rất quan tâm đầu tư trang thiết bị liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương, như các khu neo, đậu tránh, trú bão, gia cố đê điều. Thậm chí,  một số huyện trọng điểm được trung ương cấp cho các phương tiện để ứng cứu như  cano, xuồng cao tốc có khả năng chịu được sóng, gió cấp 8, cấp 9.

Ở Hải Phòng, xuất phát từ vị trí địa lý cũng như hoạt động kinh tế biển rất nhộn nhịp, nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn, sự cố ở trên biển rất lớn. Do đó, lãnh đạo thành phố Hải phòng cũng hết sức quan tâm đến lĩnh vực này, coi đây là một trong những việc trọng tâm cần được thường xuyên chỉ đạo, quan tâm. Có thể nói, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo và trực tiếp kiểm tra đôn đốc các ngành địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cũng như tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, thành phố đã giành một nguồn kinh phí rất lớn ưu tiên đầu tư cho công tác tu bổ đê điều, xây dựng, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai, lũ lụt, các khu tránh, trú bão và ngoài phần kinh phí hỗ trợ của trung ương. Việc tìm kiếm, cứu nạn cũng được quan tâm. Thành phố đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn với 35 thành viên gồm các lực lượng chuyên trách, các lực lượng vũ trang, các lực lượng của địa phương phối hợp với các lực lượng trung ương, các quận,huyện.

Hải Phòng cũng quan tâm đến hai mảng phòng, chống thiên tai: thứ nhất là mảng liên quan đến khu vực phòng, chống thiên tai ở trên bờ như đê điều, các khu tránh, trú bão; thứ hai là công tác thông tin về phối hợp, tìm kiếm, cứu nạn ở trên biển.

Do đặc thù của Hải Phòng, nên trong số 7 tàu cứu nạn lớn của Trung tâm Phối hợp, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, có 2 tàu đã nằm thường trực ở Hải phòng cũng với một cano cao cấp. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, trung tâm đã ứng trực, xử lý tình huống và phối hợp với địa phương rất nhịp nhàng, kịp thời. Chính nhờ hai tàu cứu nạn này, rất nhiều các sự cố, nhiều tai nạn trên địa bàn thành phố Hải phòng đã được cứu trợ nhanh chóng.

Đặc biệt ở Hải Phòng có rất nhiều các lực lượng vũ trang trung ương đóng trên địa bàn. Có thể lấy ví dụ như lực lượng hải quân vùng 1, Bộ tư lệnh cảnh sát biển vùng 1, lực lượng kiểm ngư Hải Phòng, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng…Tôi cho rằng, cái thuận lợi của Hải Phòng hiện nay là hệ thống các thông tin liên quan đến thời tiết, cảnh báo thiên tai hoặc cấp cứu, cứu nạn trên biển đã được kết hợp với nhau, đặc biệt là hệ thống thông tin của đài duyên hải hay hệ VHF của bộ đội biên phòng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, thành phố. Ngoài ra còn có hệ thống thông tin ICOM trên các tàu cá của địa phương. Bên cạnh đó, đài phát thanh, truyền hình hải phòng, đài khí tượng thủy văn khu vực đông bắc… cũng đã có cơ chế phối hợp, thu nhận, xử lý thông tin để phục vụ tìm kiếm, cứu nạn với các phương tiện thông tin đại chúng ở Hải Phòng.

Riêng mảng thông tin về trên biển, thông tin về cứu hộ cứu nạn khá đồng bộ. Chính vì nhờ có sự đồng bộ đó nên các tai nạn, sự cố trên biển ở Hải Phòng đã được các lực lượng tham gia cứu hộ kịp thời. Thành phố cũng rất quan tâm đến việc tổ chức tập huấn và diễn tập các phương án phòng, chống thiên tai hàng năm trong đó có hai nhóm là Trung tâm phối hợp, tìm kiếm cứu nạn ở khu vực 1 và các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, cảnh sát giao thông đường thủy… phối hợp diễn tập chuyên ngành. Còn ở các quận, huyện thì tổ chức tập huấn mang tính diễn tập ở địa phương. Hải Phòng hiện nay cũng đã thành lập, xây dựng các kế hoạch phòng chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 và phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro khác nhau. Hải Phòng đang tích cực thành lập, triển khai và quản lý thu quỹ phòng chống thiên tai phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn nói riêng và hoạt động phòng chống thiên tai nói chung. Thành phố cũng có kế hoạch cụ thể hàng năm về chuẩn bị lực lượng và đầu tư phương tiện cho phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn.

Dưới góc độ địa phương, chúng tôi thấy là hoạt động phối hợp trong khâu phòng chống thiên tai cũng như phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đang được thực hiện khá đồng bộ và được quan tâm từ cả trung ương và lãnh đạo địa phương. Qua hoạt động thực tế, tôi nghĩ cần phải quan tâm đến một số ý sau. Một là, mặc dù Trung tâm phối hợp, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam có năng lực và đầu tư khá tốt, tuy nhiên lực lượng vẫn còn rất mỏng, chưa bao quát được hết các vùng có yếu tốkhắc nghiệt về thời tiết trên biển. Thứ hai là sự trang bị, thiết bị thông tin giữa lực lượng chuyên trách với các lực lượng địa phương hiện nay chưa đồng bộ nên nhiều khi các thông tin tai nạn, sự cố trên biển chưa kịp thời, không kết nối được thường xuyên. Điều đó có nghĩa là hệ thông thông tin chưa được đồng bộ. Tình trạng báo cáo tình hình tàu thuyền khi có bão ở các khu vực khác nhau hiện nay cũng còn thiếu chính xác. Công tác quản lý phương tiện tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển ở nhiều địa phương  vẫn chưa chặt chẽ. Điều đó rõ ràng liên quan đến hệ thống thông tin,  phương thức quản lý và quy chế phối hợp chung.

Và vấn đề nữa là ngoài việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, chuyên nghiệp cho Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, chúng ta cần quan tâm, đầu tư hỗ trợ các phương tiện cho các địa phương, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quản lý tàu cá…

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Từ góc độ quản lý chuyên môn lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn hàng hải, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển, chúng ta cần có giải pháp nào, thưa ông Nguyễn Anh Vũ?

Ông Nguyễn Anh Vũ: Thứ nhất, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến luật pháp, hướng dẫn các kỹ năng báo nạn, cứu người khác bị nạn, xử lý tình huống khi tai nạn xảy ra (chống thủng, chống chìm, chống cháy, duy trì sự sống trên biển…) cho ngư dân, người đi biển. Những năm qua Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông, Vạn tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm triển khai rất quyết liệt hoạt động này nhưng nhu cầu thực tiễn còn rất lớn, đòi hỏi các chiến dịch tuyên truyền phải lâu dài, bền bỉ, quy mô rộng lớn, tập trung vào các đối tượng dễ bị tổn thương như ngư dân, thuyền viên của các tàu thuyền nhỏ, tàu khách…

Thứ hai, phải làm tốt công tác phòng ngừa tai nạn: chuẩn bị các điều kiện an toàn khi hoạt động trên biển (thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thông tin liên lạc, bố trí thuyền bộ phù hợp, hoạt động theo tổ đội, xác định vị trí tránh trú thời tiết xấu…).

Tăng cường kiểm tra Nhà nước về an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn đối với tàu thuyền, các tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Thứ ba, chúng tôi mong muốn và đề xuất xây dựng Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông, Vận tải trở thành lực lượng cứu nạn hàng hải nòng cốt, tinh nhuệ, chủ công, đủ khả năng ứng phó các thảm họa trên biển như tai nạn máy bay rơi, tàu khách chìm trên biển, sóng thần, siêu bão… là yêu cầu cấp bách. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo nhất quán của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Trương Quang Nghĩa.

Trước mắt, chúng tôi đề nghị UBTVQH, Chính phủ chấp thuận trang bị Trung tâm hai tàu tìm kiếm cứu nạn cỡ lớn theo đề nghị của Bộ Giao thông, Vận tải. Trong đó, một tàu Bộ Giao thông, Vận tải đã trình phương án sử dụng nguồn phí được để lại của Bộ; một tàu đề nghị bổ sung vào kế hoạch vốn đầu tư chung hạn hoặc từ nguồn dự phòng quốc gia. Đề nghị xây dựng thêm cơ sở hậu cần tìm kiếm cứu nạn tại các đảo, quần đảo tiền tiêu, các tỉnh duyên hải để hoạt động tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng, kịp thời và thuận lợi nhất. Chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và một số địa phương, dự kiến sẽ triển khai một trạm tìm kiếm cứu nạn ở Trường Sa…

Chúng tôi cũng mong muốn và sẵn sàng kết hợp hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo: tham gia sâu hơn vào việc phát triển kinh tế, đặc biệt là gắn bó với bà con ngư dân, với các thành phần kinh tế khác như dầu khí, như vận tải hàng hải, phối hợp với các lực lượng vũ trang trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, cả tham gia ứng trực vào những sự kiện quan trọng như giàn khoan 981… Tinh thần quyết tâm của anh em lực lượng hành hải tìm kiếm cứu nạn luôn luôn sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng.

Năm 2015, chúng tôi đã thực hiện 14 vụ tìm kiếm, cứu nạn ngay tại quần đảo Hoàng Sa, năm 2016 chúng tôi thực hiện 15 vụ… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ đáng tiếc do năng lực tìm kiếm, cứu nạn còn hạn chế, do tàu thuyền nhỏ không đủ yêu cầu…

Cuối cùng, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đối với công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Xây dựng kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn tương xứng với những thách thức đặt ra. Phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải chuyên trách với các lực lượng bán chuyên trách, lực lượng tại chỗ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Vận động toàn dân tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành công tác tìm kiếm, cứu nạn; tránh tình trạng hoạt động theo phong trào.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển, chúng ta cần có giải pháp nào, thưa ông Trương Minh Hoàng?

Ông Trương Minh Hoàng: Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế uy tín, các nhà khoa học, các sự cố trên biển đang diễn ra với quy mô, tần suất lớn, và khó lường. Trong đó, đáng chú ý là không chỉ có những sự cố liên quan đến con người, tài sản mà còn cả các sự cố về hóa chất, tràn dầu nếu không kịp thời cứu hộ, cứu nạn, môi trường sinh thái biển sẽ bị hủy hoại trên phạm vi rất rộng. Không chỉ dừng ở đó, nó còn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế vùng biển.

Do đó, các nghị quyết của Đảng đã được cụ thể hóa vào nhiều luật, trong đó quy định rõ việc đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của toàn đảng, toàn quân, toàn dân về ý thức và trách nhiệm của mình đối với công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Và trách nhiệm này cũng đã được đưa vào các văn kiện, nghị quyết của các cấp.


Ảnh: Lâm Hiển

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển, tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người đi biển nắm rõ các luật về giao thông đường thủy, giao thông đường bộ và cả luật biển. Tiếp đến là phải nâng cao sự phối, kết hợp giữa các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn. Bởi nếu mỗi nơi lại cung cấp các thông tin khác nhau, mạnh ai nấy đưa, thông tin bị nhiễu, lực lượng chức năng sẽ không thể xác định được có bao nhiêu tàu chìm, số người bị nạn, chỗ nào phải ứng cứu trước, chỗ nào nguy cơ nhiều hơn...

Ngoài ra, yếu tố con người cũng rất quan trọng để nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn thành công. Do đó, cần tập huấn, rèn luyện các kiến thức cơ bản mà người đi biển cần có cho các lực lượng chuyên nghiệp, lực lượng bám biển thường xuyên, lực lượng hậu cần khác… Như vậy, những chính sách, chế độ, đầu tư phương tiện hiện đại, quy mô lớn hơn là rất cần thiết. Đây chính là những yếu tố động viên tinh thần rất lớn cho những người bám biển, để họ truyền khí thế, nhiệt huyết cho các thế hệ kế tiếp.


Ảnh: Lâm Hiển

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa quý vị và các bạn!

Từ những phân tích, đánh giá về vai trò của công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong phát triển kinh tế biển, cũng như góp phần bảo đảm an ninh chủ quyền và hợp tác quốc tế, từ đó, chúng ta có thể thấy công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải có ý nghĩa rất to lớn. Bởi sự hiện diện của lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam không chỉ là điểm tựa niềm tin của người đi biển, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân, thuyền viên, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam…

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển, chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải; xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy phạm pháp luật liên quan; trang bị bổ sung các tàu cứu nạn có khả năng hoạt động xa bờ, dài ngày trên biển, sức chịu đựng sóng gió tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại các khu vực biển xa bờ là rất cần thiết. Đồng thời cần đầu tư trang thiết bị hiện đại thì cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần tìm kiếm cứu nạn.

ĐBND