Tranh truyện bản sắc Việt, tại sao không?

- Thứ Tư, 05/12/2018, 08:25 - Chia sẻ
Vừa qua, lần đầu tiên Ngày hội Ehon Nhật Bản được tổ chức tại Hà Nội, mang đến không gian tranh truyện đầy sáng tạo và bổ ích. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Truyền thông Quảng Văn TRỊNH MINH TUẤN, đây là cơ hội giao lưu, học hỏi giữa cộng đồng sáng tác tranh truyện Việt Nam - Nhật Bản, cũng là dịp nhìn nhận, phát triển thị trường này ở Việt Nam.

Nuôi dưỡng sự nhạy cảm của con trẻ


Theo Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Truyền thông Quảng Văn Trịnh Minh Tuấn, Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ Ehon Nhật Bản trong việc phát triển ngành tranh truyện 

- Lý do nào khiến Quảng Văn quyết định tổ chức Ngày hội Ehon Nhật Bản tại Việt Nam?

- Ngày Ehon tại Nhật Bản được khởi xướng bởi một thư viện riêng về Ehon và sách minh họa có tên Biblio Kids và Biblio baby, lấy ngày kỷ niệm ehon gắn với dấu mốc 30.11.1986 - ngày xuất bản cuốn “Lý luận Ehon” do Teiji Seta viết. Thông qua ngày này, các nhà nghiên cứu Ehon, các tác giả, độc giả, nhà xuất bản muốn truyền tải sự hấp dẫn của ehon đến con trẻ, mượn những cuốn sách ảnh để nuôi dưỡng sự nhạy cảm của con trẻ, kết nối các cá nhân và xã hội, thúc đẩy và mở rộng các hoạt động văn hóa, giáo dục, xã hội. Với ý nghĩa đó, Quảng Văn quyết định tổ chức Ngày hội Ehon Nhật Bản tại Việt Nam như một hoạt động thường niên từ năm 2018.

- Theo ông, đâu là sự ưu việt của ehon Nhật Bản so với sách tranh dành cho trẻ em ở các nước khác?

- Ehon là một từ trong tiếng Nhật, tương đương với picture book trong tiếng Anh, hay ta gọi là tranh truyện (truyện kể bằng tranh), dành cho trẻ trước khi đi học hoặc dưới 10 tuổi. Nhật Bản là quốc gia có lịch sử ehon lâu đời, theo nghĩa ehon truyền thống phải tới 1000 năm, còn ehon hiện đại có từ thế kỷ XVII. Thời điểm này, ở châu Âu cũng xuất hiện thể loại tranh truyện nhưng điểm đặc biệt của ehon là kết hợp hài hòa nghệ thuật truyền thống và kỹ thuật xuất bản hiện đại. Khác với tranh truyện các nước, ehon được quán triệt do họa sĩ vẽ chứ không phải ảnh chụp, vì theo nghiên cứu về sự phát triển, trẻ con thân thiện với hình vẽ nhân tạo hơn.

- Để nuôi dưỡng sự nhạy cảm ở trẻ, ehon có những đặc điểm gì?

- Đầu tiên ehon hướng đến giải trí, nội dung đa phần gắn với những câu chuyện về đời sống chứ không gài gắm chất luân lý, giáo dục. Điểm này khác nhiều so với tranh truyện, ví dụ của Trung Quốc chẳng hạn sẽ có những bài học quốc gia, dân tộc… Ehon tuyệt đối không có thông tin như vậy, vì khi đó trẻ chưa biết khái niệm về giáo dục, mà chỉ cảm nhận mọi thứ xung quanh.


Ngày hội Ehon Nhật Bản lần đầu tiên tại Việt Nam

Những bước tìm tòi, sáng tạo

- Thời gian qua, tranh truyện nước ngoài tràn vào Việt Nam và nở rộ. Là người làm sách, anh nhận định ra sao về thực tế này?

- Tôi cho đó là điều rất tốt. Ở Việt Nam chưa có nền tranh truyện đúng nghĩa, chưa có lý thuyết về phát triển sản phẩm tranh truyện, sáng tác tranh truyện, cộng đồng tranh truyện. Cho nên, quá trình xuất bản, giới thiệu ehon hay tranh truyện phương Tây vào Việt Nam là cơ hội để các nhà xuất bản, tác giả, họa sĩ, nhà thiết kế học hỏi từ bên ngoài, so sánh để biết mình đang ở đâu. Tranh truyện hiện đại có lịch sử khoảng 300 năm, ở Nhật, thời kỳ Minh Trị (thế kỷ XIX) đã có những tranh truyện được dịch ra nước ngoài, cho người nước ngoài đến Nhật có thể đọc; với Việt Nam bây giờ, câu chuyện này chỉ mới bắt đầu. Các nhà sách như Nhã Nam, Kim Đồng hay Quảng Văn… chỉ đang đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp tranh truyện Việt Nam.

- Trong bối cảnh đó, các tác giả Việt Nam đã có tìm tòi, sáng tạo như thế nào, theo anh?

- Ngày càng nhiều tác giả tham gia hội chợ sách thiếu nhi, gần đây nhất là hội chợ sách tranh châu Á tại Singapore, Thượng Hải... Các tác giả trẻ Việt Nam có lợi thế ngoại ngữ, tiếp cận nhanh xu thế sáng tác tranh truyện trên thế giới, tuy nhiên, sáng tác tranh truyện không đơn thuần mang tính chất kỹ thuật mà còn dựa trên nền tảng triết lý, triết học nữa. Như ehon kể những điều đơn giản xung quanh trẻ nhưng mỗi hình tượng ehon chính là một câu chuyện truyền tải thông điệp nhân văn chứ không đơn thuần minh họa cho nội dung nào đó.

- Nghĩa là để phát triển ngành tranh truyện ở Việt Nam còn là cả chặng đường dài…?

- Phải thẳng thắn rằng, nếu nói NXB Kim Đồng tập trung nhiều cho mảng sách này thì chủ yếu xuất bản manga, dành cho độ tuổi từ tiểu học đến THCS, còn sách cho lứa từ 0 - 6 tuổi ở Việt Nam chưa hề có. Còn như Quảng Văn, Nhã Nam, Thái Hà, Đinh Tị có làm nhưng trong sự đa dạng hóa chứ không có nhà xuất bản Việt Nam nào tập trung vào tranh truyện.

- Trong điều kiện như vậy, làm thế nào để tranh truyện Việt Nam phát triển, cạnh tranh được với thị trường sách ngoại nhập ngày càng lớn?

- Chúng ta cần thời gian để có sự hội tụ, tức là có một cộng đồng sáng tác tranh truyện lớn mạnh, các nhà xuất bản tập trung nhiều hơn cho sách thiếu nhi và nhất là họa sĩ trẻ Việt Nam hiểu về tâm lý trẻ em, tâm lý giáo dục...  Xuất bản thế giới giờ đây là xu thế hợp tác giữa NXB trong nước và ngoài nước, đấy có thể là cách phát triển rút ngắn cho ngành tranh truyện Việt Nam. Một điểm lý thú tôi phát hiện ra trong quá trình so sánh giữa ehon Nhật Bản và tranh truyện Việt Nam là tranh dân gian Đông Hồ. Ví dụ, ehon có một cuốn truyện kể về đám cưới chuột, trong tranh Đông Hồ cũng có bức Đám cưới chuột. Rồi về màu sắc, tranh Đông Hồ và ehon có nhiều gam màu tương tự nhau… Từ những yếu tố này tôi nghĩ có thể, và tại sao chúng ta không phát triển tranh truyện Việt Nam dựa trên văn hóa truyền thống, từ tranh Đông Hồ chẳng hạn? Rõ ràng, Việt Nam có nền tảng lớn để có thể kế thừa, phát triển nền tranh truyện mang bản sắc của người Việt và vươn ra thế giới.

- Xin cảm ơn anh!

Hải Đường thực hiện