Kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Đại biểu nhân dân (5.10.1988 - 5.10.2018)

Từ “cầu nối” thông tin đến kết nối lòng dân

- Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:37 - Chia sẻ
Mặc dù đến năm 2009, khi UBTVQH Khóa XII quyết định nâng cấp và đổi tên, Báo Đại biểu Nhân dân mới chính danh là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri” nhưng tròn 30 năm qua, tờ báo duy nhất của cơ quan dân cử đã nỗ lực, bền bỉ thực hiện sứ mệnh là cầu nối giữa QH, HĐND với cử tri và nhân dân. Điều quan trọng nhất, như Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH NGUYỄN HẠNH PHÚC nhận xét, từ cầu nối thông tin, Báo Đại biểu Nhân dân đã trở thành diễn đàn quan trọng kết nối lòng dân, vun đắp niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là với cơ quan dân cử các cấp.

Cầu nối hai chiều, tin cậy

- Nhìn từ góc độ của cơ quan chủ quản, theo ông, Báo Đại biểu Nhân dân đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị mà QH, UBTVQH giao cho Tờ báo hay chưa?

- Báo Đại biểu Nhân dân  đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri” cả nước; khẳng định được vai trò, vị thế trong đời sống báo chí và tạo được bản sắc riêng của tờ báo của cơ quan dân cử. Có lẽ, cũng hiếm có Tờ báo nào lại được các ĐBQH, đại biểu HĐND và cử tri thân thiết gọi là “Báo Nhà” như vậy. Bằng ngòi bút sắc bén, sự tâm huyết, trách nhiệm, Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh đầy đủ, kịp thời, sâu sắc và đậm nét các hoạt động của QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và HĐND các cấp.

- Với vai trò là người phát ngôn của QH, đồng thời cũng là người luôn sát sao, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho Báo Đại biểu Nhân dân, theo ông, kết quả và dấu ấn nổi bật của Tờ báo là gì?

- Không chỉ tập trung thông tin về các chính sách kinh tế - xã hội, các dự luật được đặt lên bàn nghị sự của QH, những đổi mới trong hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Báo Đại biểu Nhân dân còn đi sâu phản ánh, phân tích và có các bài bình luận về công việc ở “hậu trường” của QH, giúp cử tri và Nhân dân biết được các cơ quan của QH đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình như thế nào, đã thảo luận, tranh luận ra sao trước mỗi dự luật, mỗi đề xuất chính sách, giám sát việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương như thế nào để từ đó tham mưu cho QH đưa ra những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Bên cạnh những vấn đề vĩ mô về hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, về cách thức hoạt động của cơ quan dân cử, Báo Đại biểu Nhân dân cũng kịp thời truyền tải những tâm tư, trăn trở của các ĐBQH, đại biểu HĐND đến với cử tri. Như vậy, người dân không chỉ biết được những nội dung cốt lõi, cơ bản của các chính sách, quyết định do QH, HĐND ban hành mà còn hiểu rõ hơn vì sao cơ quan đại diện của mình, người đại diện của mình lại quyết định như vậy. Tôi cho rằng, chính điều này làm cho QH, HĐND gần gũi với nhân dân hơn, làm cho người dân tin tưởng vào QH, HĐND và các đại biểu của mình hơn.

Báo Đại biểu Nhân dân còn giới thiệu và góp phần quan trọng lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo từ QH đến với HĐND các cấp, từ HĐND địa phương này đến với HĐND địa phương khác, khơi dậy và nối dài tinh thần đổi mới của cơ quan dân cử, sự tâm huyết và say sưa của đại biểu dân cử. Có nhiều ĐBQH, đại biểu HĐND nói với tôi rằng, Báo Đại biểu Nhân dân chính là “cuốn cẩm nang” giúp họ hoàn thành vai trò và trách nhiệm của người đại diện cho dân. Tôi cho rằng, đây là thế mạnh của Báo Đại biểu Nhân dân và Báo đã phát huy tốt.

Những năm gần đây, Báo đã tập trung phản ánh chân thực nhiều góc cạnh của đời sống xã hội; tổ chức nhiều tuyến bài về các vấn đề “nóng” trong đời sống, chuyển tải được tâm tư, tình cảm, bức xúc, những mong muốn và yêu cầu của cử tri và Nhân dân đến với đại biểu dân cử và cơ quan dân cử.

Có thể nói rằng, Tờ báo đã thực sự trở thành cầu nối hai chiều, tin cậy giữa cơ quan dân cử, đại biểu dân cử với cử tri và nhân dân.


Ảnh: Quang Khánh

Phát huy thế mạnh, “đúng vai” tờ báo của Quốc hội

- Cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí với nhau và đặc biệt là giữa báo chí với truyền thông mạng xã hội ngày càng khốc liệt. Tờ báo của QH cũng không tránh khỏi guồng xoáy này. Theo ông, Báo Đại biểu Nhân dân cần làm gì để giữ vững được thương hiệu của mình?

- Đúng là trong bối cảnh hiện nay, Báo Đại biểu Nhân dân cũng đứng trước sức ép rất lớn cả về tính nhanh nhạy, kịp thời của thông tin và chất lượng, chiều sâu của thông tin. Đặc biệt, với vị thế riêng có là cơ quan ngôn luận của QH, là diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri, mọi thông tin được xuất bản trên Báo Đại biểu Nhân dân đều phải bảo đảm tính chính thống, chính xác và khách quan. Những thế mạnh của Báo như tôi đã nói ở trên phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Vừa qua, Báo đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm trực tuyến về các vấn đề nóng, nổi cộm trong đời sống xã hội, trong đó, có sự tham gia, luận giải của các chuyên gia từ nhiều góc độ khác nhau, từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi, cơ quan giám sát và đối tượng chịu sự điều chỉnh, tác động, từ đó chỉ ra những vấn đề cốt lõi, bản chất, những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đây là cách làm hay, “đúng vai” tờ báo của QH và cần được đẩy mạnh thực hiện.

Bên cạnh đó, phải sâu sát hơn nữa với thực tiễn cuộc sống. Báo cũng nên mở thêm các chuyên mục để cử tri và người dân có thể phản ánh ý kiến, quan điểm của mình về những vấn đề, những sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày cũng như đóng góp ý kiến vào các dự thảo chính sách, pháp luật mà QH đang thảo luận. Đó sẽ là chất liệu cuộc sống hữu ích phục vụ trực tiếp cho hoạt động của QH, HĐND.

QH, HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước, đồng thời cũng là nơi hội tụ của lòng dân, nơi mà người dân gửi gắm nguyện vọng và niềm tin của mình. Báo Đại biểu Nhân dân phải tiên phong trong việc củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với QH, HĐND thông qua việc phản ánh trung thực, đa chiều, đúng bản chất vấn đề, không được cắt cúp, giật gân, câu khách, càng không được để xảy ra những hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để vi phạm pháp luật, trục lợi… Vì thế, cùng với việc nâng cao chất lượng thông tin, đổi mới cách thức thông tin ngày càng chuyên sâu và hấp dẫn hơn thì một điều hết sức quan trọng là phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương và đạo đức của người làm báo cơ quan dân cử. Báo cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH để “nguồn tin” luôn phong phú, sống động, tổ chức nguồn tin để có được những thông tin độc quyền, chỉ Báo Đại biểu Nhân dân mới có.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị  Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Đại biểu Nhân dân và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì
Ảnh: Quang Khánh

- Từ góc độ của cơ quan chủ quản, thưa ông, VPQH sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Báo Đại biểu Nhân dân như thế nào?

- VPQH hết sức quan tâm đến việc phát triển Báo Đại biểu Nhân dân, luôn chỉ đạo sát sao hoạt động của Báo và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tổ chức, về cơ sở vật chất trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa. Tới đây, Báo Đại biểu Nhân dân sẽ được chuyển về trụ sở mới, chắc chắn, điều kiện cơ sở vật chất sẽ tốt hơn.
Vừa qua, VPQH cũng đã cấp kinh phí đầu tư để Báo Đại biểu Nhân dân nâng cấp cơ sở hạ tầng của Báo điện tử Đại biểu Nhân dân. Đây là xu hướng phát triển của báo chí thế giới. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân là phải phát triển song song báo in và báo điện tử, đặc biệt, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện để chuyển tải thông tin về QH, HĐND đến cử tri và nhân dân nhanh hơn, hấp dẫn hơn, thú vị hơn, tăng cường sự tương tác trực tiếp giữa Báo Đại biểu Nhân dân với độc giả…

Cùng với đó là tạo điều kiện để Báo Đại biểu Nhân dân được thực hiện tự chủ hoàn toàn trong hoạt động. Hiện nay, Báo đã tự chủ được 80% rồi, tiến tới tự chủ 100% để Báo chủ động hơn nữa trong tổ chức, hoạt động, kinh phí, nhân sự…, thu hút được nhiều hơn nữa những phóng viên, biên tập viên giỏi nghề, say sưa với sự nghiệp của cơ quan dân cử, từ đó nâng cao chất lượng tờ báo, tăng lượng phát hành, uy tín của Tờ báo được nâng lên thì người dân sẽ đọc Báo Đại biểu Nhân dân như ăn cơm hàng ngày.

- Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Báo, ông có điều gì muốn nhắn nhủ tới những người làm báo Đại biểu Nhân dân ?

 - Trước hết, thay mặt lãnh đạo VPQH - cơ quan chủ quản của Báo Đại biểu Nhân dân, tôi xin trân trọng cảm ơn các thế hệ lãnh đạo QH, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đã quan tâm, tạo điều kiện cho Báo phát triển trong suốt 30 năm qua. Nhân dịp này, tôi cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, người lao động Báo Đại biểu Nhân dân đã đoàn kết, nỗ lực xây dựng Tờ báo của QH có vị thế như ngày hôm nay. Tôi mong rằng, chúng ta đã phát triển rồi thì càng phải phát huy hơn nữa vai trò là Tiếng nói của QH, diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri cả nước, luôn là người bạn đồng hành của ĐBQH, đại biểu HĐND và cử tri.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện