Kỷ niệm 10 năm thành lập ban công tác đại biểu (17.3.2003 - 17.3.2013)

Từ công tác đại biểu đến Ban Công tác đại biểu

- Thứ Ba, 05/03/2013, 08:43 - Chia sẻ
Đứng trên giác độ tổ chức có thể coi Ban Công tác đại biểu là cơ quan Tổ chức - cán bộ của Quốc hội do UBTVQH quản lý; trong đó có các nhóm công việc cơ bản: tổ chức bộ máy và nhân sự; tiền lương và các chế độ, chính sách cơ bản cho đại biểu; các hoạt động chủ yếu của đại biểu; các vấn đề về HĐND... Đó là những nhiệm vụ có phạm vi rộng và hết sức nặng nề nhưng cũng vô cùng vinh dự đối với Ban Công tác đại biểu.

Có thể nói, từ khi Quốc hội được hình thành thì cũng là thời điểm xuất hiện công tác đại biểu. Cho đến nay đã có 4 Văn phòng phục vụ Quốc hội: Văn phòng Ban thường trực Quốc hội; Văn phòng Ủy ban thường vụ Quốc hội; Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; và Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, một thời gian khá dài, công tác đại biểu hòa chung trong công tác của các tổ chức thuộc Văn phòng.

- Giai đoạn 1946 - 1960 là Văn phòng Ban thường trực Quốc hội. Khi ấy Văn phòng mới chỉ có Phòng Hành chính-Quản trị, Phòng Nghiên cứu và Bộ phận Tổ chức - Cán bộ. Thời gian đó công tác đại biểu nằm trong tất cả ba đơn vị của Văn phòng.

- Giai đoạn 1960 - 1981 là Văn phòng Ủy ban thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 87NQ/UBTVQH ngày 16 tháng 01 năm 1962). Giai đoạn này Văn phòng gồm các đơn vị, Vụ Hành chính, Vụ Pháp chính, Vụ Dân chính, Vụ xét khiếu tố và Dân nguyện, Phòng Tổ chức - Cán bộ, Phòng Tổng hợp - Tư liệu, Phòng Liên lạc tại thành phố Hồ Chí Minh (sau năm 1975), Phòng Bảo vệ. Ở thời kỳ này công tác đại biểu nằm trong Vụ Dân chính, một số việc liên quan đến đại biểu Quốc hội thì nằm trong phòng Tổ chức - cán bộ.

Từ năm 1960 đến năm 1975, nhân dân miền Bắc đã lần lượt bầu cử đại biểu Quốc hội các Khóa II, III, IV và V. Ngày 25 tháng 4 năm 1976 nhân dân cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa VI - Quốc hội của cả nước. Cán bộ làm công tác đại biểu đã tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong việc chỉ đạo, tổ chức các cuộc tuyển cử. Sau khi UBTVQH quyết định ngày bầu cử, cán bộ làm công tác đại biểu đã tích cực soạn thảo các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về công tác bầu cử, xây dựng kế hoạch các bước của các cuộc tuyển cử, hướng dẫn lập danh sách cử tri, lập danh sách trích ngang những người ứng cử; kiểm tra và báo cáo UBTVQH về công tác chuẩn bị bầu cử; theo dõi diễn biến các cuộc bầu cử và xây dựng các báo cáo tổng hợp kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã thành lập thêm 3 Ủy ban mới (Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, Ủy ban Y tế và Xã hội , Ủy ban Đối ngoại), nâng tổng số các Ủy ban của Quốc hội lên 6 Ủy ban. Ngoài các công việc nói trên, từ tháng 4 năm 1977, Vụ Dân chính được giao thêm nhiệm vụ phục vụ bốn Ủy ban của Quốc hội (Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, Ủy ban Y tế và Xã hội) và phục vụ UBTVQH trong việc chủ trì giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND); theo dõi hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; cùng các đơn vị trong Văn phòng phục vụ các kỳ họp của Quốc hội và các phiên họp của UBTVQH.

 - Giai đoạn 1981-1992 là Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước (Nghị quyết số 01NQ/HĐNN7 ngày 06 tháng 7 năm 1981của Hội đồng Nhà nước). Văn phòng gồm các đơn vị, Vụ pháp luật, Vụ Hội đồng và các Ủy ban, Vụ Hoạt động đại biểu dân cử, Vụ Dân nguyện, Vụ Đối ngoại, Vụ Tổ chức -Cán bộ, Vụ Hành chính - Tổng hợp (tháng 10 năm 1990 chia tách thành Vụ Hành chính và Vụ Tổng hợp), Vụ Quản trị - Tài vụ, Phòng bảo vệ, Phòng Liên lạc tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà khách Phủ Chủ tịch, Tạp chí Người đại biểu nhân dân. Kể từ đây công tác đại biểu đã được tập trung vào một đơn vị cấp vụ. Vụ Hoạt động đại biểu dân cử có nhiệm vụ phục vụ Hội đồng Nhà nước chủ trì các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và giám sát việc bầu cử đại biểu HĐND các cấp; theo dõi các vấn đề về tổ chức, quản lý hồ sơ nhân sự đại biểu Quốc hội; phục vụ Hội đồng Nhà nước hướng dẫn, theo dõi thực hiện Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, nghiên cứu, tổ chức, điều hành các kỳ họp Quốc hội; hướng dẫn hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội; nghiên cứu phục vụ Hội đồng Nhà nước hướng dẫn, theo dõi và giám sát hoạt động của HĐND các cấp; phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước quyết định phân vạch địa giới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính tương đương.

Ở thời kỳ này, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Vụ Hoạt động đại biểu dân cử đã phục vụ khá tốt việc hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND các cấp. Hội đồng Nhà nước đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra hoạt động của HĐND ở nhiều địa phương; tổ chức hướng dẫn nhiều tỉnh, thành, huyện, thị triển khai việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Văn phòng đã chỉ đạo Vụ Hoạt động đại biểu dân cử tổ chức Hội nghị Trưởng ban Thư ký HĐND các tỉnh, thành phố sơ kết việc thực hiện Quy chế hoạt động của HĐND. Trên cơ sở đó, Hội đồng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về HĐND, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và sửa đổi, bổ sung Quy chế ban hành năm 1987 thành Quy chế mới ngày 05 tháng 5 năm 1990. Cũng từ đây, Vụ Hoạt động đại biểu dân cử giúp Văn phòng xây dựng văn bản trình Hội đồng Nhà nước hướng dẫn nội dung kỳ họp thứ nhất HĐND mỗi khóa; phê chuẩn kết quả bầu cử Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương. Một nhiệm vụ mới cũng khá quan trọng, đó là nghiên cứu xây dựng thang lương cho các thành viên Thường trực và các Trưởng ban HĐND để Hội đồng Nhà nước quyết định. Vụ đã phục vụ nhiều đoàn của Hội đồng Nhà nước kiểm tra việc thực hiện Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân, triển khai việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp ở một số địa phương. Vào thời gian này, Vụ đã tham mưu cho Văn phòng tổ chức bồi dưỡng kinh nghiệm tổ chức và hoạt động cho đại biểu HĐND xã, phường, trị trấn ở một số địa phương. Kết quả các công việc nói trên đã góp phần thiết thực giúp HĐND các địa phương từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

- Thời kỳ 1992 - 2007 là Văn phòng Quốc hội (theo Nghị quyết số 01NQ/UBTVQH9 ngày 26 tháng 9 năm 1992 của UBTVQH về việc đổi tên Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thành Văn phòng Quốc hội; Nghị quyết số 02NQ/UBTVQH9 ngày 17 tháng 10 năm 1992 của UBTVQH về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội; Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 01 tháng 10 năm 2003 của UBTVQH về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội). Văn phòng gồm các đơn vị, Vụ dân tộc, Vụ Pháp luật, Vụ Kinh tế và Ngân sách, Vụ Quốc phòng và An ninh, Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Vụ các vấn đề xã hội, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Vụ Đối ngoại, Vụ Hoạt động đại biểu (sau là Vụ Công tác đại biểu), Vụ Dân nguyện, Vụ Tổng hợp, Vụ Hành chính, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Quản trị - Tài vụ (tháng 5 năm 1998 chia tách thành Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Quản trị, sau đó là Cục Quản trị), Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Vụ Công tác phía Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Vụ Công tác lập pháp, Trung tâm Tin học, Báo Người đại biểu nhân dân, Phòng Bảo vệ. Nhiệm vụ của Vụ Công tác đại biểu tương tự như cuối giai đoạn 1981 - 1992, nhưng khối lượng công việc thì lớn nhiều gấp bội.

Lược lại một vài nét về tổ chức bộ máy Văn phòng (theo tên gọi) cho thấy, về danh chính ngôn thuận, cho đến ngày 06 tháng 7 năm 1981, Vụ Hoạt động đại biểu dân cử (sau là Vụ Công tác đại biểu) mới chính thức có “phiên hiệu”, nhưng nhiệm vụ của Vụ thì ngày càng phát triển nhanh chóng, phạm vi công việc khá rộng, khối lượng công việc ngày càng lớn; có quan hệ công tác với nhiều đơn vị của Văn phòng và tất cả các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Để phục vụ UBTVQH một cách tập trung, có hiệu quả hơn về công tác đại biểu, ngày 17 tháng 3 năm 2003, UBTVQH đã thành lập Ban Công tác đại biểu bằng Nghị quyết số 368/2003/NQ-UBTVQH11, khẳng định “Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBTVQH, có trách nhiệm giúp UBTVQH về công tác đại biểu”. Tiếp theo, xét thấy nhu cầu bồi dưỡng đại biểu dân cử (đại biểu Quốc hội khóa mới, đại biểu HĐND các cấp) là cấp bách với khối lượng công việc rất lớn, lại là một chuyên môn có tính độc lập tương đối, ngày 10 tháng 11 năm 2004, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã ký Quyết định số 514/QĐ/VPQH thành lập Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử trực thuộc Văn phòng Quốc hội. Sau một thời gian hoạt động có hiệu quả, để tương xứng với khối lượng công việc và ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, ngày 03 tháng 3 năm 2008, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 591/2008/UBTVQH12 nâng cấp Trung tâm lên đơn vị cấp vụ và chuyển từ đơn vị phục vụ chung thuộc Văn phòng Quốc hội thành đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Ban Công tác đại biểu. Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử từ đây trở thành một cơ cấu trong tổ chức bộ máy Ban Công tác đại biểu.

Tính đến năm 2013, công tác đại biểu đã song hành với sự ra đời và phát triển của Quốc hội, đã trải qua 67 năm (kể từ năm 1946), nhưng quá trình hình thành Ban Công tác đại biểu cũng phải trải qua gần ba thập niên (tính từ năm 1981 đến năm 2008). Cho đến Nghị quyết số 575/UBTVQH12  ngày 31 tháng 01 năm 2008 của UBTVQH khóa XII thì vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu đã được xác định chặt chẽ, đầy đủ, hoàn thiện nhất, trong đó Điều1 khẳng định: “Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có trách nhiệm giúp UBTVQH về công tác đại biểu, tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của UBTVQH”.

Theo chúng tôi, đứng trên giác độ tổ chức có thể coi Ban Công tác đại biểu là cơ quan Tổ chức - cán bộ của Quốc hội do UBTVQH quản lý; trong đó có các nhóm công việc cơ bản: tổ chức bộ máy và nhân sự; tiền lương và các chế độ,  chính sách cơ bản cho đại biểu; các hoạt động chủ yếu của đại biểu; các vấn đề về HĐND... Đó là những nhiệm vụ có phạm vi rộng và hết sức nặng nề nhưng cũng vô cùng vinh dự đối với Ban Công tác đại biểu.

Ts Bùi Ngọc Thanh
Nguyên Chủ nhiệm VPQH