Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp Phiên toàn thể lần thứ 11

- Thứ Hai, 21/10/2019, 18:07 - Chia sẻ
Chiều 21.10, tại Nhà QH, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành Phiên họp toàn lần thứ 11, thẩm tra dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại tỉnh Bình Thuận.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp.

Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật; đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NN và PTNT, Tài nguyên và Môi trường; Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong…


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án hồ chứa nước Ka Pét có dung tích 51,21 triệu m3 nước, tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, với tổng mức đầu tư  585,647 tỷ đồng. Đây là công trình quan trọng, có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho huyện Hàm Thuận Nam, góp phần phát triển KT - XH địa phương, cũng là nơi thường xuyên xảy ra hạn hán nhất của Bình Thuận. Đồng thời, dự án hồ chứa nước này cũng giúp cấp nước cho sản xuất công nghiệp của khu công nghiệp Hàm Kiệm II; cung cấp nước sinh hoạt cho TP Phan Thiết…


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, dự án hồ chứa nước Ka Pét có quy mô nhỏ tương đương nhóm B, song có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng 162, 55 ha rừng đặc dụng, thuộc Khu bảo tồn Núi Ông. Căn cứ quy định tại Luật Đầu tư công, dự án hồ chứa nước Ka Pét thuộc tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia, cần trình ra QH thông qua chủ trương đầu tư. Song, do dự án có quy mô nhỏ, Bình Thuận có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án hồ chứa nước thủy lợi có quy mô tương tự hoặc lớn hơn, Chính phủ đề nghị, giao cho UBND tỉnh tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án.

Trình bày ý kiến của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ nhiệm UB Nguyễn Vinh Hà cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, việc xây dựng hồ chứa nước lớn trên địa bàn thường xuyên chịu khô hạn như huyện Hàm Thuận Nam sẽ tạo bước chuyển biến quan trọng cho KT - XH địa phương; tạo việc làm mới, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống người dân; hạn chế tình trạng di dân tự do, tạo ổn định xã hội, bảo đảm an ninh trật tự khu vực này... Đồng thời, thực hiện quy định của Luật Lâm nghiệp về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác, UBND tỉnh Bình Thuận đã có phương án trồng rừng thay thế, với diện tích 1.941,69 ha tại ba địa điểm. Thường trực Ủy ban cho rằng, đây là dự án có hiệu quả KT - XH cao và bền vững.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà phát biểu

Các đại biểu tham dự Phiên họp tán thành với việc trình QH quyết định chủ trương đầu tư với dự án hồ chứa nước Ka Pét, vì những dự án hồ thủy lợi được xây dựng tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên đều sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nhiều ý kiến cho rằng, do dự án này có quy mô nhóm B, được tỉnh triển khai thực hiện, nên cần cân nhắc việc phải thực hiện báo cáo với QH hàng năm về tình hình triển khai như quy định pháp luật hiện hành. Thay vào đó, sau 5 năm hồ chứa nước Pa Két đi vào hoạt động mới báo cáo ra QH; giao Bộ NN và PTNT quản lý, kiểm tra, thanh tra về hoạt động của hồ chứa nước này, không cần tiếp tục báo cáo trở lại với QH.

Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn về tác động đến hệ sinh thái lâm nghiệp khi triển khai dự án này, nhất là ảnh hưởng đến sự di chuyển của động vật, thực vật giữa hai bên bờ hồ chứa nước so với điều kiện hiện nay. Bên cạnh những tác động tiêu cực đến môi trường được báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đưa ra cũng cần nêu ra một số tác động tích cực khi triển khai xây dựng hồ chứa nước. Đối với việc trồng rừng thay thế, có ý kiến cho rằng, cần chú ý bảo đảm về điều kiện lâm sinh và sinh học, không chỉ “vác” keo, bạch đàn đến trồng ở phần diện tích này. Thay vào đó, nghiên cứu trồng những loài cây bảo đảm sự đa dạng sinh học của diện tích rừng trồng thay thế.

Phương Thủy