Kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Công tác đại biểu (17.3.2003 - 17.3.2013)

Vai trò của Ban Công tác đại biểu giúp việc UBTVQH hướng dẫn, giám sát hoạt động HĐND

- Thứ Sáu, 08/03/2013, 08:34 - Chia sẻ
Trong những năm qua, đặc biệt là từ ngày thành lập Ban Công tác đại biểu 17.3.2003 đến nay, Ban Công tác đại biểu đã giúp UBTVQH hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND, hướng dẫn đã được thực hiện với hiệu quả cao, thể hiện qua việc HĐND các tỉnh, thành phố đã thực hiện đúng hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên các nội dung như sau:

Trong nhiệm kỳ 2004 – 2011 và những năm đầu nhiệm kỳ 2011 – 2016, hầu hết HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện tốt chế độ báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND theo định kỳ 6 tháng, hàng năm và các báo cáo đột xuất lên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các báo cáo này đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm bắt tình hình, chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các địa phương. Đồng thời, định kỳ 6 tháng và hàng năm, HĐND các tỉnh, thành phố cũng đều nhận được báo cáo tổng hợp tình hình tổ chức và hoạt động, các kiến nghị, đề xuất của HĐND cấp tỉnh trong cả nước, những văn bản trả lời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề liên quan giúp các địa phương giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động.

Những năm đầu của nhiệm kỳ 2011 – 2016, nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn đối với việc hưởng chế độ hoạt động phí như chế độ đối với đại biểu HĐND trong trường hợp là đại biểu HĐND hai cấp hoặc vừa là đại biểu HĐND, vừa là đại biểu Quốc hội… Ban Công tác đại biểu với vai trò là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, bảo đảm đúng chế độ, chính sách cho đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, có một số địa phương phản ánh, quy định về chế độ phụ cấp cho đại biểu HĐND không còn phù hợp với thực tiễn, chưa khuyến khích được đại biểu hoạt động; chưa có chế độ, chính sách phù hợp đối với đại biểu kiêm nhiệm (Trưởng ban, Phó trưởng ban và các thành viên của ban HĐND cấp tỉnh). Việc thực hiện chế độ khen thưởng đối với HĐND các cấp chưa quy định rõ cấp khen thưởng, tiêu chuẩn khen thưởng, nhất là đối với đại biểu HĐND.

Về các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của HĐND, một số chế độ chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của HĐND, Ban Công tác đại biểu đã có văn bản đề nghị HĐND cấp tỉnh căn cứ Nghị quyết 773/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 31.3.2009, nay là Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 ngày 20.9.2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về một số chế độ chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội để ban hành nghị quyết áp dụng cho HĐND các cấp, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp thiết thực, hiệu quả đối với những nhiệm vụ chi có liên quan.  Do vậy, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố vận dụng Nghị quyết 524 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để quy định một số chế độ chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của HĐND.

Thực hiện nhiệm vụ giám sát việc ban hành nghị quyết của HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ban Công tác đại biểu tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đối với các nghị quyết được HĐND cấp tỉnh ban hành. Nhìn chung, các nghị quyết, các văn bản của HĐND các tỉnh, thành phố ban hành đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên và sát hợp với tình hình thực tiễn địa phương; thể thức văn bản đã được hầu hết các địa phương thực hiện đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, Ủy ban nhân dân và Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Các văn bản này đã làm cơ sở pháp lý quan trọng để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác quản lý nhà nước, từ đó đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, thì HĐND các cấp họp thường lệ mỗi năm hai kỳ, ngoài ra HĐND có thể tổ chức kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường. Trong thời gian qua, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn HĐND các địa phương tổ chức kỳ họp đúng pháp luật, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Nhất của các nhiệm kỳ mới của HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành văn bản hướng dẫn về cách thức, thời gian, quy trình, thủ tục bầu các chức danh của HĐND… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thường xuyên cử đại diện tham dự hoặc giao Ban Công tác đại biểu tham dự các kỳ họp thường kỳ, họp chuyên đề của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó, kịp thời hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc trong quá trình tổ chức kỳ họp, giúp HĐND các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động kỳ họp đạt hiệu quả, đồng thời đã tạo điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của HĐND cấp tỉnh.

Với sự quan tâm hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương đã tổ chức tốt các kỳ họp HĐND để thảo luận và ra nghị quyết về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các kỳ họp đã thông qua từ 12 đến trên 30 nghị quyết, chất lượng được nâng lên, phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi cao. Một số địa phương đã tham vấn ý kiến nhân dân về dự thảo nghị quyết trước khi trình HĐND thông qua.

Nhìn chung, số lượng đại biểu tham dự các kỳ họp đạt tỷ lệ cao; chủ tọa điều hành linh hoạt, khoa học, lựa chọn một số nội dung quan trọng trình tại kỳ họp, nội dung khác gửi đại biểu tự nghiên cứu và thảo luận tổ; nhiều tổ trưởng điều hành thảo luận sôi nổi, dân chủ, tập trung vào những nội dung trọng tâm và vấn đề cử tri quan tâm. Các kỳ họp đã phát huy dân chủ trong thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, phát huy trí tuệ tập thể trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

Để hướng dẫn hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời, hướng dẫn các địa phương trong tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi gặp các khó khăn, vướng mắc phát sinh như: việc kéo dài nhiệm kỳ hoạt động HĐND (2004 - 2011); hướng dẫn việc phê chuẩn, miễn nhiệm, cho thôi, đình chỉ và tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND, đại biểu HĐND; việc thực hiện sinh hoạt phí, kinh phí hoạt động HĐND; tiến hành hiệp y khen thưởng đối với Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban của HĐND, lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND.

Trong 10 năm qua, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Quốc hội ban hành các luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND. Các văn bản này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động của HĐND, là căn cứ pháp lý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND và để HĐND tổ chức, hoạt động thống nhất, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Đặc biệt, sau khi Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân được Quốc hội ban hành năm 2003, để quy định cụ thể về hoạt động của HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Quy chế hoạt động của HĐND (theo Nghị quyết 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02.4.2005, trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục về hoạt động đại biểu HĐND, kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND; hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân của đại biểu HĐND; hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND; quan hệ giữa Thường trực HĐND với các ban HĐND; những điều kiện đảm bảo cho hoạt động của HĐND… tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong quá trình hoạt động, mang lại hiệu quả cao.

Khi tổ chức các hoạt động thực tế tại địa phương, như tổ chức các đoàn giám sát, khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, các đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều mời đại diện Thường trực HĐND, các Ban liên quan của HĐND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố tham gia. Đồng thời, Thường trực HĐND, các ban HĐND cấp tỉnh cũng được mời tham gia đóng góp ý kiến về các dự thảo báo cáo, các dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu. Các hoạt động đó giúp Thường trực HĐND, các ban HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác.

Trịnh Sao Mai
Phó vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu