Vai trò của Quốc hội trong chính sách khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 12:11 - Chia sẻ
Sáng 20.9, tại Trụ sở VPQH, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức Hội thảo Vai trò của Quốc hội (QH) trong chính sách khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp bộ “Vai trò của QH trong chính sách khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh, chính sách khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu của quốc gia. Vì vậy, cần coi chính sách khoa học - công nghệ là chính sách công ở tầm quốc gia, chứ không chỉ là chính sách công của một Bộ, ngành. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khoa học - công nghệ cần có sự tham gia của các bên. Trong đó, QH đóng vai trò quan trọng trong lập pháp, giám sát. Bên cạnh đó, cần sự tham gia của toàn xã hội; doanh nghiệp cần trở thành trung tâm của Hệ thống sáng tạo quốc gia.

Thực tế thời gian qua, khoa học - công nghệ đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội nước nhà. Tuy nhiên trong kỷ nguyên 4.0, để khoa học - công nghệ tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng của mình và thực sự trở thành động lực để đất nước đi lên, phải có những giải pháp đột phá cả về nhận thức và hành động. Ông Lê Bộ Lĩnh nêu rõ, để hoàn thiện chính sách về khoa học - công nghệ cho phù hợp với xu thế thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cùng những điều kiện thực tại của nước ta, cần có những định hướng, quan điểm tiếp cận nhằm xây dựng và tạo lập hệ thống chính sách về khoa học - công nghệ phù hợp nhằm phát triển khoa học - công nghệ của đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về Quan điểm và định hướng chung về chính sách khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 và vai trò của QH; Quan điểm và và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng 4.0; Quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao vai trò của QH trong chính sách tài chính và đầu tư cho khoa học – công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng 4.0; Quan điểm và giải pháp nâng cao vai trò của QH trong giám sát chính sách khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0…

Các đại biểu cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với hoàn thiện pháp luật là phải thích nghi với xu thế mới và đổi mới. Để điều chỉnh các hoạt động khoa học - công nghệ một cách hiệu quả, cần có cách tiếp cận hệ thống pháp luật theo hướng đổi mới, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và điều chỉnh các quan hệ của doanh nghiệp với các bên liên quan. Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (VPQH) Phạm Hữu Duệ đề nghị, cần thể chế hoá đầy đủ quan điểm của Đảng về phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo các hướng: Hoàn thiện môi trường pháp lý phát triển khoa học - công nghệ theo hướng hội nhập, nâng cao trình độ nguồn nhân lực ở cấp chiến lược, cấp quản lý và cấp vận hành; xây dựng môi trường pháp lý để phát triển các ngành, nghề kinh doanh mới đang bắt đầu nảy sinh từ cuộc Cách mạng lần thứ tư. Luật hóa theo hướng đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; tăng cường hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ. Mở rộng các hình thức đầu tư trung và dài hạn cho doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn cho phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật chặt chẽ, phù hợp với thông lệ và xu thế phát triển của thế giới, nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo động lực cho mọi thành phần kinh tế không ngừng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo.

Tin và ảnh: Thanh Chi