Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2019)

Vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc

- Thứ Tư, 09/10/2019, 08:01 - Chia sẻ
Một Hà Nội với vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa rộn rã, vừa tinh tế, sôi động, trong đó trung tâm là những con người nắm giữ tinh hoa Thủ đô, những người hàng ngày tô điểm, tạo nên không gian văn hóa... cho thành phố ngàn năm văn hiến, đã được nhiếp ảnh gia Lê Bích ghi lại trong hàng chục năm cầm máy.

Trân trọng những gì đang có

Tại đình Kim Ngân đang diễn ra triển lãm ảnh “Hoài niệm”, giới thiệu 40 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Bích, người gắn bó và nặng lòng với Hà Nội. Đó là những cảnh quan đậm chất Hà Nội, được nhìn theo góc riêng của tác giả: Những con đường thơ mộng với người phụ nữ chở hoa vào phố, tô điểm cho Hà Nội; hay những dàn nhạc giao hưởng xuống phố, tạo nên điểm dừng nên thơ trong một thành phố đông đúc, bộn bề…

Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã chứng kiến những gian khó nhọc nhằn của đất nước thời hậu chiến, đến khi đất nước bắt đầu đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Trải qua nhiều sự kiện, nhiều thay đổi trong từng giai đoạn lịch sử, cùng những trải nghiệm của bản thân đã là những chất liệu để anh thể hiện bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Trong gần 15 năm cầm máy, Hà Nội với từng góc phố thân quen đã đi vào những khung hình đầu tiên cho đến khi trở thành ghi chép hàng ngày của anh. Qua đó, những người không thường xuyên ở Hà Nội cũng có thể thấy được một thành phố đang đổi thay hàng ngày, qua những tấm hình, được tác giả chụp “với tâm thế bình thản, không vội vàng, và tôn trọng vẻ đẹp của sự thật”.

Với nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hà Nội là đề tài không bao giờ cạn. Trong kho ảnh ngày càng đầy của Lê Bích về Hà Nội, anh cũng không thống kê số lượng, mà thường chia các mảng chính là: Tinh hoa Hà Nội, với những nghề, làng nghề truyền thống còn - mất theo thời gian; Cảnh sắc và kiến trúc Hà Nội đổi thay từng ngày; Lễ hội Hà Nội trong phố, và lễ hội làng đậm bản sắc của một Hà Nội mở rộng. Các bức ảnh được anh gửi gắm tình yêu với Hà Nội, dù qua thời gian có đổi khác ở góc độ chụp. “Tuổi trẻ, tôi nhìn thành phố theo cách khác, nhưng nay tôi tập trung chụp các bức ảnh có chiều sâu, có thông điệp, có tác động tới cuộc sống, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để lan tỏa thông điệp: Hãy yêu Hà Nội và trân trọng những gì chúng ta đã có ngày hôm nay” - nghệ sĩ chia sẻ.


Giao mùa Ảnh: Lê Bích

Cảm nhận bằng trái tim

Tự nhận mình là người lưu luyến nét đẹp truyền thống, Lê Bích quan tâm lưu giữ những giá trị xưa cũ của Thủ đô. “Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, nhưng tôi không cho phép mình quên đi những vẻ đẹp xưa cũ, nét tinh hoa của Hà Nội. Tôi sẽ không bao giờ quên những “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, lặng lẽ đứng bên “phố xưa nhà cổ, ngói cũ thâm nâu”. Quên làm sao được mùi hoàng lan, mùi hoa sữa cùng tiếng chuông nhà thờ lúc chiều buông. Tôi vẫn luôn nao lòng mỗi khi đi qua đường Cổ Ngư xưa trong chiều hồ Tây gió lộng và thả mình trong men say của một trời cao ven hồ thơm mùi hoa sữa. Tôi giữ mãi trong tim mình một Hà Nội của hình người em gái nhỏ đạp xe trên phố, của bóng tháp Rùa in trên mặt hồ Gươm cổ tích, của âm thanh tiếng leng keng xe điện đầu ô, của lung linh sắc màu trong đêm pháo hoa mừng ngày chiến thắng...” - Lê Bích tâm sự.

Chuyên sâu về đề tài văn hóa di sản, văn hóa làng, nghề truyền thống và rong ruổi trên mọi miền của đất nước, nhưng di sản Hà Nội - nơi thân thuộc, chiếm phần lớn trong các bức ảnh của anh, từ khu phố cổ Hà Nội, tới các làng nghề gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, quạt Chàng Sơn, múa Triều Khúc.... Cũng dễ hiểu bởi thành phố nghìn năm văn hiến hội tụ tinh hoa của cả nước. Trong các bức ảnh, tác giả đặc biệt quan tâm đến những “báu vật nhân văn sống”, những người gần như cuối cùng đang nắm giữ các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô, như nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên, nghệ nhân ca trù Bạch Vân, nghệ nhân nghề khảm tam khí Nguyễn Ngọc Trọng; người giữ hồn Tết Trung thu của Hà Nội Vũ Thị Thanh Tâm... Anh cố gắng chụp càng nhiều càng tốt, để lưu lại ngay những khoảnh khắc quý hiếm về những làng nghề đang dần mất đi, hay những nghệ nhân đang ngày một tuổi cao sức yếu. Làm để sau này không cảm thấy tiếc nuối và cho thế giới biết là Hà Nội đã có những góc tinh hoa như thế...

Thời điểm này, mọi người đều nhận thấy, Hà Nội thay đổi khá nhanh, có nhiều cái mất đi. Theo nghệ sĩ Lê Bích, “đó là về vật thể, nhưng có những di sản phi vật thể tồn tại, tôi thích dùng hình tượng là mạch ngầm văn hóa, vẫn âm ỉ chảy. Chẳng qua chúng ta có muốn nhìn thấy, tìm đến và phát hiện ra nó không? Và cũng bởi đó là mạch ngầm, là phi vật thể, nên mỗi người phải cảm nhận bằng trái tim”.

Ngọc Phương