Về làng đón Trung thu

- Thứ Năm, 01/10/2020, 08:45 - Chia sẻ
Vẫn là đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, nhưng được trực tiếp làm đồ chơi Trung thu truyền thống dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, trong không gian của làng quê, nhiều người được trở về tuổi thơ với những đêm rước đèn, trông trăng. Du khách và em nhỏ hào hứng không kém khi được hiểu thêm về các đồ chơi mộc mạc nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa.

Làng quê của ông tiến sĩ giấy

Không khí đón Trung thu 2020 rộn rã, thay vì hòa mình vào các hoạt động ở bảo tàng, không gian văn hóa, chúng tôi dành một buổi chiều cuối tuần, chung chuyến xe ra khỏi nội thành Hà Nội, về làng Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức. Cùng tham gia chuyến đi do nhóm Về làng tổ chức là các gia đình, các bạn trẻ làm nhiều ngành nghề khác nhau và cả người nước ngoài. Trên quá trình di chuyển, thành viên của Về làng giới thiệu chung về chuyến đi và đồ chơi trung thu, đố vui… tạo không khí háo hức khám phá cho mọi người. Chặng đường đi dường như ngắn lại.

Điểm dừng chân của đoàn là nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, người có 40 năm làm đồ chơi truyền thống, cũng là người cuối cùng tại Hậu Ái còn duy trì nghề. Chào đón đoàn, bà Tuyến giới thiệu: “Nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống tại làng đã có từ lâu, còn với gia đình, đến tôi là đời thứ ba. Năm xưa, Trung thu, nhà nhà không thể thiếu đèn ông sao, đèn con thỏ, ông tiến sĩ giấy... nên làm bao nhiêu hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, xu hướng thời cuộc, nên từ năm 1995 - 2005, đồ chơi ngoại nhập nhiều, đồ chơi dân gian bị mai một, thợ thủ công làm ra nhưng không bán được, nhiều người bỏ nghề. Yêu mến các món đồ chơi có từ xa xưa, nét văn hóa ông cha để lại, tôi vẫn gìn giữ, duy trì. Mong rằng là lớp trẻ không quên giá trị truyền thống”.

Trong không gian đầy màu sắc của đồ chơi chuẩn bị cho Tết Trung thu, bà Tuyến giới thiệu từng món đồ: Đèn ông sao năm cánh, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn con thỏ... Hình mẫu của ông tiến sĩ giấy nơi đây chính là bậc đại khoa Đỗ Kính Tu dưới triều Lý. Ông nguyên là người làng Hậu Ái, sinh ra trong một gia đình nhà nho hiếu học, đã đỗ đầu khoa thi Tam giáo đời Lý Anh Tông (1138 - 1175), sau cùng Tô Hiến Thành phụ chính cho vua, được ban quốc tính... Do có công lớn trong việc giúp dân thoát ngập, để lại nhiều cống hiến trong việc nâng cao dân trí tại địa phương, ông được người dân làng Hậu Ái suy tôn làm thành hoàng làng. Để tưởng nhớ công lao của Đỗ Kính Tu, vào đêm rằm Trung thu - cũng là lúc trẻ con vừa bắt đầu năm học mới, người dân nơi đây thường làm ông tiến sĩ giấy đặt bên mâm ngũ quả cúng trăng...

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến giới thiệu các đồ chơi Trung thu truyền thống  

Ảnh: Th.Nguyên 

Trở về với đồ chơi truyền thống

Vừa nghe giới thiệu các công đoạn làm đèn ông sao, ông đánh gậy... từ những vật dụng đơn giản như tre nứa, giấy màu, hồ dán nấu lên từ bột năng, mọi người vừa bắt tay làm theo để hoàn thiện chiếc đèn của riêng mình. Từ các em nhỏ cho tới nhiều bạn trẻ, từ lạ lẫm, tò mò lắng nghe các câu chuyện kể, tới chăm chú bôi keo, khéo léo căn chỉnh để dán giấy lên khung tre nứa, rồi vui sướng trước thành quả làm được...

Lần đầu tiên tham gia trải nghiệm làm đèn ông sao, dù gắn bó với đồ chơi này từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Hương Thảo, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ: “Thường tìm hiểu những sự kiện về văn hóa truyền thống của Việt Nam, tôi biết chương trình này qua mạng xã hội nên rủ bạn cùng đi. Qua những gì trải nghiệm, tôi như được sống lại những ký ức tuổi thơ, với những món đồ xưa thường được chơi. Tuy nhiên, khi tự tay làm, tôi hiểu về chúng hơn”.

Trong khi đó, mới đến Việt Nam và mong muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống, Tom Collins, giáo viên dạy tiếng Anh, rất vui khi cầm trên tay chiếc đèn ông sao vừa hoàn thành: “Tôi chưa biết nhiều về đồ chơi truyền thống, về Tết Trung thu của Việt Nam, nên tôi thấy trải nghiệm này thật thú vị. Qua việc tự tay làm một chiếc đèn Trung thu, tôi biết thêm được ý nghĩa của chúng. Quan trọng hơn, bố mẹ và các con có thể cùng tham gia, giúp gắn kết hơn tình cảm của gia đình”.

Cùng con về làng, chị Nguyễn Thị Mai Quyên, người làm việc tại một viện nghiên cứu tại Hà Nội cho biết: “Nếu ban đầu, trẻ nói ông tiến sĩ, ông đánh gậy là con rối, nhưng sau khi tự tay làm, các con sẽ hiểu hơn và có ấn tượng về những món đồ chơi truyền thống đẹp đẽ và mang giá trị sâu sắc. Tôi muốn các con về tận gốc tích ra đời của ông tiến sĩ giấy để vừa được nghe kể chuyện, vừa làm đồ chơi, để các cháu hiểu hơn về lịch sử học tập, cũng như truyền thống hiếu học của làng nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc đến tận nơi trải nghiệm thì con sẽ nhớ hơn là ở nhà nghe kể chuyện, từ đó, cổ vũ tinh thần học tập của các con. Các chương trình như vậy nên được phát huy, tổ chức thường xuyên hơn, bài bản, khoa học hơn...”.

Trong khoảng 5 giờ đồng hồ, chuyến đi để lại nhiều ý nghĩa và niềm háo hức tiếp tục khám phá văn hóa truyền thống của các em nhỏ và cả người trẻ. Đó cũng là mong muốn của nghệ nhân và đơn vị tổ chức, nhằm giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng những món đồ chơi cổ truyền độc đáo. Anh Ngô Quý Đức, người sáng lập nhóm Về làng chia sẻ: “Hiện nay trẻ em được tiếp xúc với nhiều đồ chơi hiện đại, nhưng đồ chơi truyền thống vẫn mang ý nghĩa riêng của nó, và việc các em nhỏ hiểu được những điều đó là rất cần thiết. Trong các món đồ chơi truyền thống, đèn ông sao và ông tiến sĩ gắn liền với trẻ thơ vào dịp rằm tháng Tám, việc tự tay trải nghiệm làm các món đồ này, nghe về ý nghĩa của chúng, giúp các em nhỏ hiểu được ông bà, cha mẹ đã đón Tết Trung thu ra sao. Chúng tôi tổ chức chương trình với mong muốn những món đồ chơi truyền thống của dân tộc sẽ không bị lấn át bởi đồ chơi ngoại nhập, gìn giữ những nét tinh hoa của ông cha đã để lại”.

Thảo Nguyên