Vì người và vì nghề

- Thứ Năm, 04/10/2018, 07:30 - Chia sẻ
Có một thời được cộng tác với Báo Người Đại biểu Nhân dân (nay là Báo Đại biểu Nhân dân), chợt ngoảnh lại, đã hay tờ báo tròn ba mươi năm tuổi. Tôi thật biết ơn tờ báo và lãnh đạo của Báo thấu hiểu đồng nghiệp và cộng tác viên…

“Bà đỡ” cho nhà văn, nhà thơ

Tôi không nhớ bài đầu tiên in trên Báo Người Đại biểu Nhân dân/Đại biểu Nhân dân, chỉ nhớ một hôm nhà văn Hồ Anh Thái nhắn: “Chị đến lĩnh nhuận bút ở 35 Ngô Quyền nhé”. Hồ Anh Thái khi ấy đứng trang Văn nghệ của báo. Chính anh đã chỉ dạy tôi những bước đầu tiên, những dữ liệu cần thiết để viết một bài báo; cách anh biên tập cho tôi kỹ càng như mỗi khi anh viết văn vậy. Nhiều năm sau, tôi thấy mình chịu ảnh hưởng cốt cách lao động trách nhiệm của một nhà văn trên cánh đồng chữ.

Rồi tôi viết đều tay hơn cho báo nhiều năm sau. Các nhà thơ Vân Long, Đoàn Thị Tảo, Hồ Anh Tuấn, Hồng Thanh Quang… các nhà văn Hoàng Quốc Hải, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Trần Chiến… cũng đều cộng tác với tờ báo ra hàng ngày này. Với đất rộng, dành những hai trang cho văn hóa - văn nghệ, Báo Đại biểu Nhân dân thu hút khá đông anh em trong Hội Nhà văn Việt Nam. Một nhà văn trẻ từng tâm sự: “Truyện ngắn của mình có thể không qua được nhiều tờ báo, vì rất nhiều lý do, nhưng đến lúc gửi nhà văn Hồ Anh Thái biên tập, qua “cửa ải” Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, thì “ĐI” được. Thế mới sướng chứ!”. Ngày ấy người viết chúng tôi thầm cảm ơn nhà báo Hồ Anh Tài và Báo Đại biểu Nhân dân đã dám “ĐI” những vấn đề thật sự gai góc của hiện thực đời sống.


Nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Hoàng Việt Hằng với cán bộ, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập báo và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì

Đội ngũ biên tập viên ngày ấy còn có nhà báo Thu Nga mới chuyển từ Báo Ninh Bình về. Gặp tôi, em dặn: “Chị đi đâu, nhớ viết bài cho em, khoảng 800 đến 1.000 từ, kèm mấy ảnh nữa nhé”. Bài vừa gửi chiều hôm trước thì 7 giờ sáng hôm sau đã í ới: “Chị ơi, khoảng 9 giờ đến 35 Ngô Quyền lấy nhuận bút nhé”. Địa chỉ 35 Ngô Quyền cứ đóng đinh trong trí nhớ tôi bao nhiêu kỷ niệm về nghề viết. Bài in hồi đó cứ sớm ra là có tiền đi chợ, thích không tả được. Cái sự thích đơn giản của người đàn bà viết để tồn tại được như tôi ngày ấy, chỉ cần có thế. Không gì sướng bằng viết ra được báo in ngay. Cho dù những chuyến đi thực tế cho tôi cảm xúc, số liệu thực tế, đủ để biên tập rất nhanh.

Tôi may mắn khi từng được tạo điều kiện cho đứng chuyên mục “Địa chỉ của bạn” trên báo những hai năm, để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và yên trí viết cho xong tiểu thuyết “Một bàn tay thì đầy”. Khi tiểu thuyết ra mắt bạn đọc, cũng là lúc tôi xin Tổng biên tập được dừng chuyên mục.

Gần như hơi thở

Tôi rất biết ơn Báo Người Đại biểu Nhân dân/Đại biểu Nhân dân và lãnh đạo báo thấu hiểu đồng nghiệp và cộng tác viên. Tôi vẫn nhớ những lần gặp mặt cộng tác viên ở Huế, Tây Nguyên, rồi xa hơn là miền Tây sông nước. Người viết cả nước dồn về trong buổi tri ân của tờ báo dân cử. Tôi quan sát công việc bếp núc, cách đón tiếp khách chu đáo, thịnh tình, nhưng cũng cực kỳ chuyên nghiệp, khoa học. Gần như hơi thở, cán bộ, phóng viên, biên tập của tờ báo sống ấm áp như trong một gia đình. Trong chuyên môn, họ làm việc nghiêm túc, nhưng khi gặp gỡ, họ đều có thái độ ân cần, thân thiện, để lại ấn tượng đầy thiện cảm. Có thể nói, những cuộc họp mặt tri ân đội ngũ cộng tác viên của cả nước đóng góp cho Báo Đại biểu nhân dân đã để lại những kỷ niệm đẹp cho người cầm bút.

Rồi chưa quên, nhà báo Thu Nga bị bệnh hiểm nghèo qua đời, tôi được chứng kiến cả tòa soạn đứng ra lo liệu chu toàn cho em. Thật cảm động. Tôi nghĩ đó cũng là cách hành xử văn hóa nhất, tình người nhất của những người làm báo ở đây. Cả tờ báo đồng lòng nhìn chung một hướng. Vì người và vì nghề.

Giờ đây thi thoảng tôi mới viết cho chuyên mục Văn hóa, nhưng chúng tôi (tôi và phóng viên, biên tập viên Phòng Văn hóa - Văn nghệ) vẫn ríu rít với nhau, khi hàn huyên về một quyển sách hay, khi thì sách mới ra mắt của một người nổi tiếng. Ở đời có những tác phẩm nổi tiếng hơn người, lại cũng có người tên tuổi còn nổi tiếng hơn là tác phẩm. 30 năm qua, vượt qua bao nhiêu khó khăn chồng chất, Báo Đại biểu Nhân dân đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng đông đảo bạn đọc. Tôi nghĩ, đó là tài sản tinh thần vô giá.

Nếu như bây giờ trở lại Hà Nội, bạn sẽ tới địa chỉ nào đầu tiên? Tôi từng hỏi một cộng tác viên ở Bến Tre như vậy, và em nói ngay: “Em sẽ tới 35 Ngô Quyền, để gặp lại người cũ, người mới. Em ở xa Hà Nội nhưng rất nhớ địa chỉ này”. Đâu phải chỉ có em ở tận Bến Tre, tôi ngay Hà Nội đây, vẫn như heo may xào xạc nhớ về nơi đó. Tình nghĩa con người, những nghĩa cử vì nhau đâu dễ bước qua, đâu dễ bỏ qua và xóa đi!

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng