“Hai nhà nước” - con đường để đạt được giải pháp chính trị

- Thứ Bảy, 27/04/2024, 07:07 - Chia sẻ

Đã đến lúc phải thừa nhận rằng, giải pháp hai nhà nước không phải là kết quả cuối cùng của một giải pháp chính trị mà chính là con đường để đạt được nó. Việc trao cho Palestine tính hợp pháp, đòn bẩy và quyền thương lượng vốn có trong một cơ chế nhà nước được công nhận sẽ là bước đầu tiên mang lại cho Trung Đông một tương lai tốt đẹp hơn. - Đó là nhận định của ông Gareth Evans, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Australia, cựu Chủ tịch Nhóm Khủng hoảng Quốc tế và Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Australia 2010 - 2019.

Nếu Israel nghiêm túc trở lại trong việc theo đuổi giải pháp hai nhà nước, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho chính họ; thực tế khủng khiếp của các cuộc tấn công nhằm vào Israel ngày 7.10.2023 đã cho thấy một sự thật, đó là: nếu không có một giải pháp chính trị thỏa mãn nguyện vọng chính đáng của người Palestine, Israel sẽ không bao giờ thoát khỏi bóng ma khủng bố.

Đừng để tuyệt vọng trở thành cơn thịnh nộ

Ông Gareth Evans chia sẻ: kinh nghiệm hàng thập kỷ trong việc ngăn chặn và giải quyết xung đột, bao gồm cả nhiều năm đàm phán với tất cả các bên ở Trung Đông, đã cho thấy sự thật rằng sự tuyệt vọng có thể dễ dàng biến thành cơn thịnh nộ và sau đó trở thành cơn thịnh nộ không thể xoa dịu được. Ngược lại, mối đe dọa bạo lực sẽ giảm đi đáng kể trong những giai đoạn các bên cảm thấy được củng cố niềm hy vọng thực sự về một giải pháp công bằng và xứng đáng.

Nguồn: Causes.com
Nguồn: Causes.com

Hiểu được nguồn gốc của vụ tấn công của Hamas ngày 7.10.2023 không phải là để chúng ta thỏa hiệp hay biện minh cho hành vi tàn sát những người vô tội. Nhưng đối với chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tiếp tục phủ nhận những nguyên nhân sâu xa đó và không đưa ra con đường chính trị nào tiến về phía trước, sẽ chỉ khiến họ thúc đẩy thêm những điều tương tự. Điều này đặc biệt đúng khi hiện nay rất nhiều người Palestine bình thường, tử tế đã phải di dời, tổn thương và tức giận trước phản ứng quá mức của Israel.

Cơ sở đạo đức, pháp lý và chính trị ủng hộ giải pháp hai nhà nước và công nhận tư cách nhà nước của Palestine luôn rất mạnh mẽ. Khoảng 140 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự công nhận mặc dù hầu hết đều đến từ Nam bán cầu.

Cuộc chiến ở Gaza giờ đây đã mang đến cho vấn đề này sự liên quan và cấp bách mới. Ngày càng có nhiều quốc gia coi cuộc chiến không khoan nhượng của Israel không chỉ kéo dài sự khốn khổ của người Palestine mà còn ảnh hưởng đến chính họ.

Australia, trong bài phát biểu mở đường của Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong vào ngày 9.4, đã trở thành quốc gia mới nhất trong số các quốc gia trước đây còn tỏ ra thận trọng - bao gồm Vương quốc Anh, Ireland, Tây Ban Nha, Na Uy và thậm chí cả Hoa Kỳ - để thể hiện rõ rằng họ đang tích cực xem xét việc sớm công nhận nhà nước Palestine. Với việc Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ sớm bỏ phiếu về tư cách thành viên đầy đủ của Palestine trong tháng này, Mỹ và một số nước khác có thể vẫn chưa sẵn sàng đưa ra tuyên bố chính thức. Tuy nhiên, hướng đi đã rõ ràng và các nỗ lực đang được thúc đẩy.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine là một hành động chỉ mang tính hình thức mà không có tác dụng thực chất. Trên thực tế, giải pháp hai nhà nước hiện nay có vẻ khó đạt được do tình trạng chia cắt lãnh thổ gây ra bởi chương trình xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Và Israel ngày càng tỏ ra thù địch đối với giải pháp hai nhà nước cũng như người Palestine ngày càng có xu hướng ủng hộ giải pháp một nhà nước của riêng họ kể từ sau sự việc ngày 7.10.

Khôi phục sự cân bằng trên bàn đàm phán

Nhưng giấc mơ về giải pháp hai nhà nước phải được tiếp tục thúc đẩy, không chỉ bởi vì đây là lựa chọn hợp lý nhất, mà còn bởi vì nó rõ ràng là vì lợi ích lâu dài của cả hai bên. Công nhận tư cách nhà nước của Palestine là rất quan trọng để khôi phục lại sự cân bằng vốn đang nghiêng về phía Israel trong các cuộc đàm phán. Không có cuộc đàm phán hòa bình nào có thể thành công nếu các bên trong bàn đàm phán không có một địa vị pháp lý cân bằng. Trong tương lai gần, đó là cách tốt nhất - và có thể là duy nhất - để chứng tỏ rằng Palestine có tính hợp pháp và tính chính danh không chỉ trong thế giới Hồi giáo và miền Nam toàn cầu, mà còn trên toàn thế giới, kể cả trong quan hệ với các cường quốc phương Tây như Anh, Australia và các đồng minh và đối tác khác của Hoa Kỳ.

Tất nhiên, quá trình xây dựng một chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine với sự hỗ trợ của các bên tham gia chủ chốt trong khu vực - chắc chắn sẽ là một chặng đường dài. Nhưng bất kể giải pháp hai nhà nước có chứng tỏ được sự tồn tại của nó hay không, việc trao cho Palestine tính hợp pháp, đòn bẩy và quyền thương lượng bổ sung vốn có trong chế độ nhà nước được công nhận sẽ giúp cả hai bên đạt được một tương lai tốt đẹp hơn nhiều so với hiện trạng.

Nếu giải pháp hai nhà nước thực sự được thúc đẩy và mang lại hiệu quả, đòn bẩy của Palestine sẽ rất quan trọng trong việc tạo ra các giải pháp công bằng và bền vững cho các vấn đề lớn còn tồn đọng, bao gồm các vấn đề liên quan đến ranh giới, bảo đảm an ninh đáng tin cậy cho cả hai bên, bảo vệ các thánh địa cũng như vấn đề vô cùng nan giải về quyền hồi hương của người tị nạn.

Nhưng ngay cả khi lựa chọn duy nhất còn lại là đàm phán về một nhà nước dân chủ, không phân biệt chủng tộc (trong đó người Palestine được hưởng các quyền bình đẳng hoàn toàn giống như người Do Thái ở Israel), thì việc mang lại cho người Palestine tính hợp pháp và sức nặng hơn trên bàn thương lượng cũng sẽ phục vụ mục đích bảo đảm một hòa bình bền vững.

Vào thời điểm căng thẳng gia tăng đáng kể giữa Israel và Iran và đi kèm với đó là những cảm giác bất an mới, việc Israel xoa dịu cơn giận dữ của người Palestine tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Hầu hết phần còn lại của thế giới đều muốn nói với Israel rằng cách tốt nhất để bắt đầu là thừa nhận nhà nước của người Palestine. Nếu người Israel thực sự muốn có một tương lai an toàn hơn, đã đến lúc họ phải lắng nghe.

Quốc Đạt
#