Vốn chính sách giúp thoát nghèo bền vững và ngăn chặn "tín dụng đen"

- Thứ Năm, 16/07/2020, 08:35 - Chia sẻ
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, cả nước có trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn, trong đó có 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo bền vững. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định, chính sách tín dụng xã hội đã thành một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen", thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế....

 Sáng 15.7, tại Hà Nội và 63 điểm cầu trên toàn quốc, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.

2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững     

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Chỉ thị 40 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thông qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Quá trình thực hiện Chỉ thị 40, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, triển khai hiệu quả nguồn vốn chính sách đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách. Nguồn vốn chính sách ngày càng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở các địa phương, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen".

Theo báo cáo của NHCSXH, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40, quy mô về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng của tổ chức này không ngừng mở rộng. Số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Dư nợ tín dụng chính sách xã hội đến thời điểm hết tháng 6.2020 đạt khoảng 219,9 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 8 chương trình lớn (chiếm trên 96%/tổng dư nợ). Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước; trong đó tập trung ưu tiên cho vay tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, cả nước có trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn chính sách, trong đó có 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo bền vững; tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động; giúp trên 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Đồng thời, xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Người dân Gia Lai đẩy mạnh chăn nuôi bò từ vốn tín dụng chính sách  

Nguồn: ITN 

Tín dụng chính sách là “ưu tiên của cả nước”

“Chính sách tín dụng xã hội đã thành một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định. Đây là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng được nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn từng bước đẩy lùi "tín dụng đen", thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, số hộ dân tộc thiểu số được vay vốn từ NHCSXH ngày càng tăng. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số nhưng dư nợ tại NHCSXH chiếm 24,8% tổng dư nợ. Toàn quốc có 3,04 triệu hộ dân tộc thiểu số thì đã có 1,4 triệu hộ vay vốn chính sách, chiếm 46%, dư nợ bình quân 1 hộ là 38 triệu đồng. "Đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, nhưng truyền thống văn hóa tốt đẹp từ bao đời để lại là “không có thì xin”, “vay thì phải trả”. NHCSXH đưa ra hai con số nợ quá hạn chỉ chiếm 0,6%, nợ khoanh chiếm 4,5% làm cho các cấp lãnh đạo thật sự yên tâm khi quyết định chuyển vốn qua NHCSXH ", ông Đỗ Văn Chiến nói.

  Đạt được kết quả này có nhiều nguyên nhân, trong đó, theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, “Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực này và NHCSXH chuyển biến rất rõ trong thời gian qua”. Giai đoạn 2014 - 2019 mặc dù nguồn lực còn nhiều hạn chế nhưng Nhà nước đã quan tâm ưu tiên bảo đảm nguồn vốn hoạt động cho NHCSXH; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% trên nguồn vốn huy động; các địa phương ưu tiên cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội. “Phải nói đây là một trong những ưu tiên của cả nước chúng ta, riêng NHCSXH được ưu tiên như vậy, nếu không có thì cũng không thể làm vậy”.

Tại hội nghị, các ý kiến đều khẳng định quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 40 vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo thực tiễn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.

“Chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện ngày càng tốt hơn nữa chủ trương, quan điểm đã nêu trong Chỉ thị 40”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu. Cùng với việc đề xuất Ban Bí thư ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.

Kiều Trang