Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc

Xây dựng doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt

- Thứ Sáu, 15/11/2019, 08:21 - Chia sẻ
Tại Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng qua, các đại biểu cho rằng, việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu theo hướng chính ngạch là tất yếu. Trong bối cảnh đó, cần xây dựng được những doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa “chở” nông sản Việt sang Trung Quốc và ra thế giới, nếu không chẳng khác nào nông sản được chở trên những chuyến xe cút kít và bị những chuyến tàu lớn hất văng.

Chưa chủ động nghiên cứu thị trường

Theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN - PTNT Lê Thanh Hòa, Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của nước này. Như vậy, dư địa thị trường còn rất lớn.

Thời gian qua, phía Trung Quốc yêu cầu đánh giá rủi ro rất khắt khe, đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu từ giám sát mối nguy chế biến đến sản phẩm cuối cùng, tức các nhà máy phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh, quy trình tránh lây nhiễm chéo sản phẩm. “Các quy trình đó Trung Quốc áp dụng đối với cả sản phẩm thực vật và sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, như các nước phát triển Mỹ và EU”, ông Hòa xác nhận.


Toàn cảnh tọa đàm Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng yêu cầu bản thân doanh nghiệp tự xây dựng quy trình giám sát và phải hiểu được quy trình đó. Điều này đồng nghĩa, bản thân doanh nghiệp phải hết sức chú trọng các khâu rà soát an toàn thực phẩm trong nguyên liệu, chế biến và thực hiện chặt chẽ.

Nhìn vào sự thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng đây là điều tất yếu. “Chẳng qua chúng ta không có sự chủ động nghiên cứu từ trước, mà đến khi họ áp dụng vào rồi chúng ta mới hốt hoảng, kêu lên rằng họ gây khó khăn cho chúng ta - như vậy là không phải. Đây là xu thế tất yếu của việc phát triển một nền kinh tế. Khi họ đã vượt ngưỡng thu nhập 10.000 USD/người sẽ khác với ngưỡng thu nhập chỉ có 2.000 USD hay 5.000 USD. Chúng ta đừng nhìn thị trường Trung Quốc bằng con mắt của người có 2.436 USD bình quân của Việt Nam!”, ông Kiên nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Mai Thị Ánh Tuyết  nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy, không thể cứ nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính. Thực tế, theo bà Tuyết, việc đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc không đơn giản. Minh chứng là tại tỉnh An Giang vốn xuất khẩu chính 2 mặt hàng gồm lúa gạo và thủy sản (cá tra) sang thị trường này, nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp được Trung Quốc cấp chứng nhận đạt khi khảo sát vùng nguyên liệu và nhà máy!

Nâng vai trò của hợp tác xã

Theo các đại biểu, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, trước hết cần xây dựng được chuỗi liên kết. Chỉ khi đứng được vào chuỗi giá trị, chuỗi liên kết thì mới bước chân vào chuỗi cung ứng để thúc đẩy xuất khẩu thế giới, trong đó có Trung Quốc. Muốn vậy, doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt trong chuỗi liên kết này.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy phân tích, ở các tỉnh chưa có dòng nông sản chủ lực, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất khó và “không đủ sức” vào thị trường Trung Quốc vốn rất nhiều tiềm năng song cũng đòi hỏi rất khắt khe. Bởi nghiên cứu thị trường rất tốn kém, thêm nữa phải đàm phán với đối tác.

Dẫn kinh nghiệm ở Thái Lan, mặc dù họ ký kết để đưa được 14 loại rau, hoa quả vào Trung Quốc nhưng sau đó mỗi năm chỉ phát triển được 1 mặt hàng và phải mất tới 17 năm, họ mới đưa được 40 loại trái cây vào thị trường này, ông Thủy cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ rất khó đảm nhiệm được việc này, chưa kể tính chuyên nghiệp và sự thông hiểu luật pháp quốc tế. “Như vậy, không có doanh nghiệp thì không thể thành công. Đặc biệt, cần xây dựng được những doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không có chuyến tàu dẫn dắt (là những doanh nghiệp đầu đàn) thì đó chỉ là những chuyến xe cút kít để chở hàng nông sản của chúng ta ra thế giới. Và khi đó sẽ bị những chuyến tàu lớn hất văng ra bên ngoài”, ông Thủy nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn TH Hoàng Thị Thanh Thủy đề xuất, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc nói riêng, thị trường quốc tế nói chung, doanh nghiệp rất mong nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ nên có những quy chuẩn, quy định quốc gia về các mặt hàng nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ khi có tiêu chuẩn thì chúng ta mới tự tin đưa sản phẩm của mình vươn tầm quốc tế. Thêm nữa, cần có những quy định minh bạch hơn về thị trường sữa. “Hiện nay, trên thị trường có sữa tiệt trùng nhưng hiện người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn, chưa phân biệt được (đâu là sữa tươi tiệt trùng và đâu là sữa tiệt trùng). Do vậy, chúng tôi rất mong sẽ ghi nhãn là sữa tươi tiệt trùng để người tiêu dùng tránh nhầm lẫn với sữa hoàn nguyên hay sữa pha lại”.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết bổ sung, vai trò của Nhà nước vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xuất sang các thị trường khó tính. Hiện, chính sách của chúng ta hơi dàn trải, bây giờ phải đánh giá lại, khi xuất sang thị trường khó tính thì khâu nào là khâu quyết định và phải tập trung vào hỗ trợ khâu đó, tức cần có chính sách thực sự đi vào cuộc sống để góp phần tích cực vào thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đồng thời, cần rà soát lại những luật đã ban hành, các nghị định hướng dẫn, các chính sách qua đó nâng vai trò của hợp tác xã để cùng doanh nghiệp, nông dân tổ chức sản xuất quy mô lớn. Nếu doanh nghiệp không có các hợp tác xã tổ chức sản xuất thì không thể thúc đẩy xuất khẩu.

Phòng Thời sự Kinh tế