Huyện Phú Xuyên, Hà Nội:

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

- Thứ Năm, 15/08/2019, 07:34 - Chia sẻ
Là huyện ngoại thành phía Nam Thủ đô, kinh tế huyện Phú Xuyên dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu với 92% dân số sống ở khu vực nông thôn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, huyện Phú Xuyên đã đạt được những kết quả quan trọng: cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, an ninh chính trị ổn định, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh

Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp được Phú Xuyên tập trung chỉ đạo theo hướng phát huy các lợi thế của từng xã, như: vùng sản xuất lúa, vùng trồng rau và cây màu trong đó có rau an toàn, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển trang trại... Theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Phú Xuyên có vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung, chất lượng cao tại các xã: Phú Túc, Tri Trung, Hoàng Long, Chuyên Mỹ, Vân Từ, Phú Yên, Văn Hoàng, Tân Dân, Châu Can, Hồng Minh với tổng diện tích là 3.960ha; vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung tại xã Minh Tân với diện tích 162ha; vùng nuôi thủy sản tập trung tại xã Chuvên Mỹ, Tri Trung, Hoàng Long với tổng diện tích 430ha. Cũng theo quy hoạch, xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm tại xã Châu Can với tổng đàn là 105.000 con; khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư tại xã Hồng Thái với số lượng lợn là 12.000 con và gia cầm 30.000 con; trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư 19 trang trại, trong đó, 3 trang trại bò thịt, 5 trang trại chăn nuôi lợn, 11 trang trại chăn nuôi gia cầm.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm mô hình măng tây xanh tại xã Hồng Thái ngày 7.3.2018

Để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, yêu cầu tiên quyết là dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và làm tốt công tác tuyên truyền vận động đối với người dân, đồng thời với tinh thần tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở nên công tác dồn điền đổi thửa từ năm 2012 đến năm 2013 đã cơ bản hoàn thành. Toàn huyện đã dồn điền đổi thửa được 9.060ha, đạt 105,23% so với diện tích thành phố giao. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa được tập trung triển khai, đã có 180.672/182.398 thửa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, đạt 99,60%.

Sau dồn điền đổi thửa, đã tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sản xuất tập trung, như: sản xuất lúa ứng dụng biện pháp thâm canh cải tiến SRI, gieo mạ khay cấy bằng máy. Cơ bản diện tích được thu hoạch bằng máy gặt, số máy cấy hiện có 148 chiếc, 2 máy gieo mạ khay tự động, 35 máy gặt liên hoàn; diện tích lúa chất lượng cao là 2.565ha, chiếm 30% diện tích.

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo an toàn thực phẩm như: Mô hình trồng măng tây 5ha ở xã Hông Thái có sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, trồng trong nhà màng; một số trang trại chăn nuôi ở xã Phúc Tiến, Châu Can, Quang Lãng, Tân Dân sử dụng giống mới nhập nội, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, có hệ thống máng ăn uống tự động. Mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Tri Trung sử dụng giống lai, công nghệ vi sinh trong sử lý môi trường nước.

Nhờ cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giá trị sản lượng hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại  năm 2017 ở Phú Xuyên đạt 152 tỷ 587 triệu đồng. Nhiều trang trại sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, tạo tiền đề để hoàn thành xây dựng nhãn hiệu tập thể rau cần Khai Thái và đang triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể Bưởi Thồ Bạch Hạ.

Phát triển làng nghề truyền thống

Với lợi thế của một huyện có rất nhiều làng nghề, những năm vừa qua Đảng bộ và nhân dân huyện Phú Xuyên luôn chăm lo phát triển làng nghề truyền thống. Việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện đạt kết quả đáng ghi nhận, nếu năm 2008 số làng nghề trên đại bàn huyện là 124/156 làng nghề, thì đến 2017 có 156/156 số làng nghề - tăng 29%, số làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống tăng 16% (từ 37 làng nghề năm 2008 lên 43 làng nghề năm 2017).  Trong đó có những làng nghề đặc trưng như khảm trai ở xã Chuyên Mỹ, là thủy tổ nghề khảm trai có từ thế kỷ XI; nặn tò he ở Xuân La (xã Phượng Dực) có cách đây 300 năm và là làng nghề duy nhất có ở Việt Nam. Ngoài ra còn có các làng nghề tiêu biểu khác như may comple ở Vân Từ, giày da ở Phú Yên, đan cỏ tế xuất khẩu ở Phú Túc, đồ gỗ cao cấp ở Tân Dân, Văn Nhân, nghề kim khí ở Đại Thắng...


Làng nghề cỏ tế Phú Túc

Kể từ 2011, ngày 26.10 hàng năm được chọn là “Ngày vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên”, sự kiện này được tổ chức hàng năm nhằm vinh danh các nghệ nhân, các thợ giỏi của các làng nghề, tri ân các bậc tiền nhân và cũng là hoạt động nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm cá làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên, khuyến khích làng nghề phát triển.

Theo số liệu thống kê 2017, số hộ sản xuất  TTCN là  24.500 hộ, số lao động sản xuất TTCN là 39.939 người, chiếm 33% lao động chính ở nông thôn; Giá trị sản xuất TTCN tại các làng nghề ước đạt 4.550,00 tỷ đồng; Thu nhập bình quân của lao động làm nghề năm 2017 đạt 52 triệu đồng/người/năm, tăng 1,95 lần so với năm 2008. Hiện có 385 công ty, doanh nghiệp; 06 HTX công nghiệp; 08 tổ chức, quỹ tín dụng; 03 hiệp hội sản xuất, kinh doanh liên quan về sản xuất TTCN, làng nghề.

Các làng nghề tại Phú Xuyên đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi làng nghề; tạo dựng được thị trường rộng lớn như:  Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và quốc tế như: Nga, Mỹ, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... đã giải quyết việc làm cho trên 80% lao động trong các làng nghề và vùng phụ cận, đời sống của nhân dân các làng nghề được cải thiện rõ rệt, số hộ khá và giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu KT- XH của huyện.

Nâng cao thu nhập cho nông dân

Xác định phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với sản phẩm có chất lượng cao là hướng đi chủ lực góp phần nâng cao đời sống nhân dân, từ 2008 đến năm 2017, Phú Xuyên đã quan tâm đầu tư, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ với tổng kinh phí là 20 tỷ 538 triệu đồng (trong đó hỗ trợ kinh phí đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là 14 tỷ 676 triệu đồng, hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao 5 tỷ 862 triệu đồng). Kết quả tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là 2.430ha. Diện tích cấy máy chiếm 10% diện tích cấy lúa. Một số mô hình mới được nhân dân áp dụng trên địa bàn đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng măng tây xanh, rau trái vụ, mô hình rau cần an toàn, khoai tây vụ đông, bưởi diễn, cam canh... Giá trị sản xuất/ha canh tác đạt từ 200 - 250 triệu đồng, có mô hình đạt 500 - 700 triệu đồng/ha.

Năm 2018, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện đạt 1.892 tỷ đồng, tăng 30,4% so với năm 2010 (năm 2010 là 1.450,6 tỷ đồng). Giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 104,7 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất thủy sản tăng mạnh, năm 2018 là 395,5 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện 2.510ha, sản lượng đạt 12.550 tấn. Về trồng trọt, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản (xã Hoàng Long, Tri Trung, Phượng Dực, Hồng Minh), cây rau an toàn, cây ăn quả (xã Hồng Thái, Khai Thái, Minh Tân, Quang Lãng).

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Phú Xuyên đã đạt được những kết quả nhất định. Sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; nông dân đã có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 42,6 triệu đồng. Đó là con số biết nói thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại Phú Xuyên nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân, phấn đấu đến năm 2025, Phú Xuyên xây dựng được 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao như mục tiêu đề ra.

Nam Giang