Dự án Luật Thư viện:

Xây dựng xã hội học tập

- Thứ Năm, 23/05/2019, 15:40 - Chia sẻ
Kỳ vọng khi xây dựng dự án Luật Thư viện là khẳng định được vai trò của thư viện đối với sự phát triển văn hóa, con người, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, thúc đẩy đa dạng hóa các loại hình thư viện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định khi trình bày Tờ trình dự án Luật tại Phiên họp toàn thể của QH chiều nay, 23.5.

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, tri thức

Dự thảo Luật Thư viện có sự kế thừa, chỉnh lý các quy định của Pháp lệnh Thư viện. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 18 điều, quy định mới 33 điều so với Pháp lệnh.


Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, quan điểm xây dựng dự án Luật Thư viện là tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thiện và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế. Khẳng định vai trò của thư viện đối với sự phát triển văn hóa, con người, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Mở rộng chức năng và hoạt động để tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công song hành với tăng cường tính tự chủ của thư viện; thúc đẩy việc đa dạng hóa các loại hình thư viện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy các nguồn lực trong xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức phục vụ nhu cầu học tập suốt đời.

Ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của khoa học thư viện, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện và cách tiếp cận thông tin của người dân; đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống thư viện. Thực tế khảo sát cho thấy, hệ thống thư viện ở nước ta, trong đó phần lớn thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, nhiều thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới. Vì vậy, cần phải đổi mới tổ chức, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ nêu rõ, một số chính sách còn chưa cụ thể; chính sách đầu tư tập trung cho một số thư viện trung tâm có vai trò quan trọng là chính sách mới chưa được đánh giá tác động cụ thể.

Ủy ban đề nghị quy định cụ thể hơn việc ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số, hoạt động liên thông giữa các thư viện; phát triển hệ thống thư viện công cộng phù hợp với đặc thù các địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa để huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển thư viện. Một số chính sách như nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào hoạt động thư viện, hợp tác quốc tế cần được cân nhắc đưa lên mức nhà nước ưu tiên đầu tư, thay vì hỗ trợ để tăng hiệu lực. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đặc thù thư viện trung tâm có vai trò quan trọng; cũng như trách nhiệm của các thư viện này ngay tại Luật để đảm bảo tính khả thi.

H. Ngọc