Góc nhìn

Xử lý nghiêm, triệt để ngay từ đầu

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:45 - Chia sẻ
Từ tháng 11.2015 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 6 lần yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực nhưng những sai phạm vẫn tồn tại, dù Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã từng phát biểu trước cử tri rằng để bảo đảm kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà 8B Lê Trực cũng phải làm...

Công viên nước Thanh Hà, phường Phú Lương, quận Hà Đông có vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng là hạng mục xây dựng phải có giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư là Công ty Cienco 5 chưa thực hiện việc xin phép xây dựng. Do đó, UBND quận Hà Đông yêu cầu chủ đầu tư dừng khai thác, sử dụng công viên nước Thanh Hà để chờ xử lý. Ngày 27.11.2019, UBND quận Hà Đông có Quyết định số 4725/QĐ-UBND, yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng của công viên nước Thanh Hà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Tiếp đó, ngày 24.12.2019, UBND quận Hà Đông đã có Quyết định số 5079/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả mà không chấp nhận ý kiến và đề xuất gia hạn của chủ đầu tư. Ngày 30.12.2019, UBND phường Phú Lương có Thông báo số 606/TB-UBND về việc thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định 5079/QĐ-CCXP của UBND quận Hà Đông. Theo đó, UBND phường Phú Lương yêu cầu Công ty phải tự tháo dỡ 19 hạng mục theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông, xong trước 17 giờ ngày 10.1.2020. Ngày 15.1.2020, UBND phường Phú Lương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế…

Trong hai sự việc này, chưa vội bàn đến việc đúng sai, chưa bàn đến “lý lẽ” của chủ đầu tư, điều dễ nhận thấy đó là những bất cập trong quản lý trật tự xây dựng; là sự chùng chằng, thiếu quyết liệt, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Hệ quả là sai phạm ngày càng lớn hơn, việc giải quyết hậu quả khó khăn hơn và thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân cũng lớn hơn rất nhiều.

Buông lỏng quản lý trật tự xây dựng là vấn đề đã được đề cập đến từ lâu, xảy ra tại nhiều địa phương. Hậu quả của việc này như thế nào đã quá rõ. Thế nhưng để có giải pháp hữu hiệu không dễ, kể cả đề xuất điều chỉnh pháp luật. Ví dụ như trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đề nghị tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, đồng thời bổ sung biện pháp, chế tài mới như cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua việc ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước. Thế nhưng khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật cho biết, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ không đánh giá tác động nội dung này. Việc dùng mệnh lệnh hành chính để tạm chấm dứt hợp đồng dân sự là can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự và không thực sự phù hợp…

Như vậy có thể thấy, những vi phạm kiểu như trên sẽ còn tiếp diễn nếu các cơ quan chức năng chỉ xử lý “phần ngọn” đó là cưỡng chế hoặc xử phạt hành chính. “Gốc” của vấn đề là pháp luật phải được cả người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là các cơ quan chức năng thực thi nghiêm túc. Khi đã phát hiện sai phạm phải nghiêm khắc xử lý, xử lý triệt để ngay từ đầu chứ không phải đợi đến khi có quyết định cưỡng chế mới tranh cãi rằng ai đúng, ai sai; rằng quyết định cưỡng chế có đúng quy định, trình tự pháp luật hay không.

Khánh Ninh