Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận thảo luận Tổ

Các ĐBQH Tổ 15 thảo luận về 2 dự thảo Luật và 1 Nghị quyết

- Thứ Sáu, 10/11/2023, 13:19 - Chia sẻ

Sáng 10.11, các đại biểu tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận) đã thảo luận về dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái): Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần thống nhất, xuyên suốt 

Tôi cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 6), tại Khoản 5 quy định “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an có trách nhiệm tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học".

Tôi cho rằng quy định này sẽ dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương. Thực tế trong thời gian gần đây, việc học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc đã để lại hậu quả thương tâm mà một trong những nguyên nhân là do việc tuyên truyền, giáo giục ý thức tham gia gia giao thông và việc tuân thủ pháp luật về giao thông đường bộ chưa được các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Do vậy, để khắc phục tình trạng này, bảo đảm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thống nhất, xuyên suốt, trang bị đầy đủ kiến thức, nhận thức pháp luật khi tham gia giao thông đối với học sinh, sinh viên, bảo đảm hình thành thói quen tích cực khi tham gia giao thông; Đồng thời thống nhất thực hiện giữa các địa phương, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy chính khóa trong nhà trưởng và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), tại Khoản 1 quy định “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", cá nhân tôi đồng tỉnh, ủng hộ rất cao việc kiểm soát nồng độ cồn của các lái xe khi tham gia giao thông. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nghiêm cấm sử dụng rượu, bia và chất có cồn khi tham gia giao thông đã góp phần rất lớn đến việc hạn chế tai nạn giao thông.

Có thể khẳng định đây là chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân, tôi đề nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là cứ có nồng độ cồn là vi phạm, mặc dù nồng độ rất thấp, khi đi khảo sát thi chúng tôi cũng nhận được một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc quy định, không nên quy định nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức bằng “0” như hiện nay mà quy định nồng độ cồn tối thiểu mới bị xử phạt...

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước): Nhiều cơ hội mới khi áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu

Về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, ngày 9.7.2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế, bao gồm những vấn đề sau. Thứ nhất, phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số. Thứ hai, đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% dối với các công ty đa quốc gia.

Ngày 16.12.2022, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS đã công bố có 138 nước đồng thuận đối với nội dung về khung giải pháp hai trụ cột trên. Nước ta là thành viên thứ 100 của BEPS nên nếu nước ta không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.

Việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới. Cụ thể là tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước từ phần thu thuế bổ sung. Thứ hai, tăng cường hội nhập quốc tế. Thứ ba, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%.

Vì vậy, để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, cần thiết phải ban hành văn bản pháp lý để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh có thể kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam...

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái): Sẽ tác động đến môi trường thu hút đầu tư như thế nào?

Tôi băn khoăn về tính khả thi trong việc thu phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu do Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam có đưa ra các quy định về bảo đảm đầu tư và ổn định chính sách.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung phân tích, trong trường hợp doanh nghiệp không thống nhất với quy định này thì có thể áp dụng Điều 13, Luật Đầu tư quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Do đó, doanh nghiệp chỉ phải nộp phần thuế thu nhập doanh nghiệp đang được ưu đãi tại Việt Nam, phần thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nộp bổ sung tại nước mẹ. Vì vậy, việc giành quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 là khó khả thi.

Thực tiễn đã chứng minh, sau hơn 30 năm đổi mới, nguồn lực từ thu hút đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách cho Nhà nước. Do đó, đề nghị làm rõ tác động đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam trong trường hợp áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Vì ngoài yếu tố ổn định chính trị, nguồn lao động dồi dào thì ưu đãi về thuế, tiền thuê đất là những yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng thời đề nghị làm rõ đối với trường hợp doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sau thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành thì có áp dụng ưu đãi đầu tư về thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hay áp dụng thuế suất theo quy định của Nghị quyết?

Về hình thức văn bản và thời hạn áp dụng, Chính phủ đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp. Đây là vấn đề về hình thức văn bản song thực chất, Nghị quyết này vẫn là một Nghị quyết thí điểm do có những quy định về chính sách mới, khác với các quy định của các luật hiện hành. Theo đó, cần có các quy định cụ thể về thời hạn áp dụng Nghị quyết. 

Đối chiếu với điều khoản thi hành, dự thảo Nghị quyết quy định “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1.1.2024, áp dụng từ năm tài chính 2024 cho đến ngày Nghị quyết này được thay thế bởi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy định như trên là chưa rõ thời điểm kết thúc áp dụng thí điểm do chưa rõ thời điểm Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định như dự thảo là phù hợp...

ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận): Chưa rõ ràng, chưa phân tách...

Dự thảo Luật Đường bộ đã tiếp thu Luật cũ và bổ sung nhiều quy định mới. Cụ thể, trong Luật Giao thông đường bộ 2008, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xử lý vi phạm về giao thông đường bộ còn hạn chế, trong khi các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ còn diễn ra phổ biến, phức tạp. Hệ thống điều khiển, giám sát giao thông còn thiếu; chưa có hệ thống quản lý giao thông thông minh, chưa có các trung tâm điều khiển xe đi trên các tuyến; thực tiễn đòi hỏi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Do đó, các quy định trong dự thảo Luật Đường bộ đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khách quan trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống giao thông thông minh phục vụ quản lý, điều hành, giám sát, xử lý vi phạm; góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, tại Khoản 3, Điều 43 dự thảo Luật về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh quy định: “Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh quốc gia và Trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia do Bộ Giao thông vận tải quản lý, vận hành và khai thác; Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, vận hành và khai thác; hoạt động thường xuyên, liên tục”.

Còn tại Khoản 2, Điều 67 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về chỉ huy, điều khiển giao thông quy định: “Trung tâm chỉ huy giao thông là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin tình hình giao thông phục vụ chỉ huy, điều hành giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác liên quan tới giao thông đường bộ. Cung cấp thông tin về tình trạng giao thông cho người tham gia giao thông; nghiên cứu giải pháp bảo đảm giao thông đường bộ an toàn, thông suốt. Trung tâm chỉ huy giao thông do lực lượng Cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, khai thác; hoạt động thường xuyên, liên tục. Trung tâm chỉ huy giao thông quốc gia kết nối với Trung tâm chỉ huy giao thông địa phương và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành…” 

Tôi thấy cách thức triển khai thực hiện và hiệu quả việc xây dựng, quản lý, sử dụng Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, Trung tâm chỉ huy giao thông được nêu tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ vẫn chưa rõ ràng, phân tách. Đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tránh trùng lắp, lãng phí và có thể xem xét nghiên cứu hợp nhất việc đầu tư xây dựng, vận hành hai trung tâm trên, trong đó, quy định cụ thể chức năng, vai trò của cơ quan quản lý đối với lĩnh vực an ninh trật tự giao thông đường bộ và đường bộ nhằm đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong quá trình thực hiện...

Khương Ninh
#