Khẩn trương sửa đổi chính sách để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ

- Thứ Ba, 05/12/2023, 08:16 - Chia sẻ

Dịch vụ báo chí là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Trước những khó khăn, vướng mắc hiện nay về cơ chế tài chính đối với cơ quan báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục PHẠM NAM TIẾN cho rằng, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ.

Động đâu cũng vướng!

- Cuối năm 2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí. Tình hình kinh tế báo chí cũng như cơ chế tài chính đang được áp dụng với các cơ quan báo chí như thế nào, có khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

- Chúng tôi đã khảo sát ở các loại hình báo chí, làm việc với một số cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, bộ, ngành... Qua đó cho thấy, có 3 loại cơ chế tài chính đang áp dụng đối với các cơ quan báo chí, trong đó có 2 loại cơ chế tự chủ về tài chính.

Phạm Nam Tiến

Thứ nhất, cơ chế tự chủ về tài chính của cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai, cơ chế tài chính hạch toán độc lập, gồm: (i) đơn vị được vận dụng cơ chế tài chính, tiền lương như doanh nghiệp như Đài Truyền hình Việt Nam và (ii) các báo, tạp chí của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, viện nghiên cứu - không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ ba, cơ chế tài chính hạch toán phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan chủ quản của (một số) tạp chí khoa học

Thực tiễn áp dụng các cơ chế tài chính so với quy định hiện hành của Luật Báo chí 2016 có sự khác biệt nhất định, có chỗ còn thiếu rõ ràng. Do Luật Báo chí được ban hành năm 2016 nên một số quy định về nguồn thu của cơ quan báo chí trong Luật chưa sát với những quy định mới của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, liên quan đến một số nguồn thu như cho thuê tài sản công, nguồn vốn vay của đơn vị.

Vấn đề kinh tế báo chí chưa được tiếp cận đầy đủ, đúng hướng; có sự “cào bằng” trong việc giảm mức chi từ ngân sách cho tất cả cơ quan báo chí. Một số cơ quan truyền thông chủ lực, báo ngành tỏ ra băn khoăn, chưa đồng tình với chính sách giảm đồng đều tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

- Bên cạnh cơ chế giao nhiệm vụ chi thường xuyên từ ngân sách thì việc áp dụng cơ chế đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là một nguồn lực quan trọng để tăng kinh phí cho cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế đặt hàng vẫn chưa thực hiện được. Tại sao vậy, thưa ông?

- Điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đã được quy định tại Điều 12, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 3 thông tư phục vụ hoạt động đặt hàng sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình và báo in, báo điện tử.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, văn bản quy phạm pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, về tự chủ tài chính chưa hoàn thiện; hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật tại các địa phương chưa đầy đủ; chưa hình thành được đơn giá đặt hàng thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền. Một số trường hợp, cơ quan chủ quản không phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật với lý do không có căn cứ để phê duyệt, dẫn đến cơ quan báo chí không thể thực hiện nhiệm vụ đặt hàng.

Hoàn thiện các thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật

- Những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tài chính gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan báo chí như thế nào?

- Có một thực tế là do sự phát triển của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia, rồi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, doanh thu của các cơ quan báo chí gần đây sụt giảm nghiêm trọng; vì thế, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tài chính càng khiến cho hoạt động của các cơ quan báo chí khó khăn hơn.

Chưa kể, với kinh phí sản xuất ngày càng tăng trong tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất đến chi phí bản quyền chương trình, thì định mức tối đa chưa bắt kịp tình hình thực tế, dẫn đến nhiều khó khăn trong chi trả thù lao, chi phí bản quyền của các cơ quan báo chí.

Nhiều tác phẩm báo chí như longform, infographic, video, podcast, diễn đàn trực tuyến, talk… chưa được quy định trong Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT hay Nghị định số 18/2014/NĐ-CP về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Vì thế, việc xác định định mức đối với các thể loại này về các chi phí trực tiếp (nhân công - máy móc - vật tư) cũng đang gặp vướng mắc.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về cơ chế tài chính để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại mà vẫn đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, không đánh mất vai trò là “phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội”.

- Đoàn khảo sát đã có những kiến nghị gì để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như ông vừa đề cập?

- Đoàn khảo sát có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và cả với các cơ quan báo chí; trong đó, cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí; sửa đổi quy định cơ chế đặt hàng, kiểm soát việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, có lộ trình sửa đổi các quy định về thuế, phí, lệ phí phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại hình báo chí và xu thế phát triển của kinh tế báo chí; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Nghị định số 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản...

- Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí. Ông kỳ vọng gì sau động thái này?

- Văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp đầy đủ các nhóm vấn đề mà các cơ quan báo chí đang phải đối mặt. Việc cần làm bây giờ là Bộ Tài chính sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc có hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan, để không ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách của báo chí.

Xin được nhắc lại rằng, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Dịch vụ báo chí là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; vì thế, Nhà nước cần hỗ trợ và bảo đảm các điều kiện để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Minh thực hiện
#