Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục làm tốt và trọn vẹn hơn vai trò là "tiếng nói của Quốc hội"

- Thứ Ba, 03/10/2023, 10:59 - Chia sẻ

Là một trong những người trực tiếp chuẩn bị và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII về việc nâng cấp và đổi tên Báo, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TRẦN ĐÌNH ĐÀN tin tưởng và kỳ vọng, Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục làm tốt và trọn vẹn hơn chức năng, nhiệm vụ thiêng liêng mà Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao cho, là “tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri”.

- Trong chặng đường 35 năm của Báo Đại biểu Nhân dân, năm 2009 là dấu mốc đặc biệt, mang tính lịch sử. Là những người trực tiếp chuẩn bị và tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nâng cấp, đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân - “tiếng nói của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân” thành Báo Đại biểu Nhân dân - “tiếng nói của Quốc hội...”, ông có thể chia sẻ đôi điều về thời khắc lịch sử này?

Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục làm tốt và trọn vẹn hơn vai trò là
Ảnh: Hà An

Tôi có niềm tin sâu sắc rằng, anh em lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Báo chúng ta sẽ tiếp tục làm tốt và trọn vẹn hơn chức năng, nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho tờ báo của chúng ta: Báo Đại biểu Nhân dân là “tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri”; để tờ báo của chúng ta phục vụ một cách tốt nhất cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri cả nước.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn

- Giai đoạn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII (2007 - 2011), đất nước ta đã có những bước phát triển toàn diện và Quốc hội cũng đang có nhiều đổi mới. Thời điểm đó, chúng tôi xác định đây là “cơ hội vàng” để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội xem xét nâng cấp lên một tầm cao hơn, quy mô lớn hơn đối với Báo Người Đại biểu Nhân dân. Cho nên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi đó đã quyết định đổi tên từ Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân và nâng cấp từ báo loại II lên loại I, tương đương cấp tổng cục. Với quyết định này, tờ báo của chúng ta được nâng lên một tầm cao hơn, phạm vi được mở rộng hơn với vị thế lớn hơn để phục vụ tốt hơn cho công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội.

Còn tại sao lại đổi tên, vì thực ra so với tên gọi cũ Báo chỉ bớt đi chữ “Người”, tôi nhớ khi đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói rằng, đây là điều Ủy ban Thường vụ Quốc hội trăn trở rất lâu. Và việc đổi thành “Đại biểu Nhân dân” là với hàm ý rộng hơn, cao hơn và tầm vóc lớn hơn. Hiến pháp quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Đại biểu Nhân dân hàm ý là “một tổ chức”, là Quốc hội, chứ không phải “từng cá nhân, con người cụ thể” và thực hiện những chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Đại biểu Nhân dân là “tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri”.

Là những người được giao chuẩn bị và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nâng cấp và đổi tên Báo, chúng tôi càng thấy rõ hơn tầm ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn của quyết định này. Chính cái tên mới đã hàm chứa được phạm vi rộng hơn, vị thế ở tầm cao hơn trong việc tổ chức thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội nói riêng và các cơ quan dân cử nói chung, đặc biệt là nâng được vị thế, uy tín tờ báo của Quốc hội.

- Kể từ thời khắc lịch sử đó, cá nhân ông nhìn thấy Báo đã có những chuyển biến như thế nào?

- Qua quá trình chuẩn bị cho việc nâng cấp, đổi tên, sau đó là cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII, và đến bây giờ là một bạn đọc, cộng tác viên thân thiết của Báo, tôi nhận thấy có 3 chuyển biến nổi bật.

Trước tiên, một chuyển biến rất quan trọng, đó là tờ báo của chúng ta đã bám sát được những đổi mới của Quốc hội. Cử tri cũng như cá nhân tôi và nhiều đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ đều đánh giá, trong mỗi đổi mới của Quốc hội có thể thấy rõ vai trò, dấu ấn của Báo Đại biểu Nhân dân với vị thế là “tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội và cử tri”.

Thứ hai, Báo ngày càng thông tin nhanh, kịp thời, chính xác về những đổi mới và các hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, Báo đã và đang tận dụng, khai thác được tiện ích của các nền tảng số, mạng xã hội để phục vụ rộng rãi hơn nhu cầu đa dạng của các đối tượng bạn đọc và cử tri cũng như xu hướng làm báo mới trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Thứ ba, Báo đã và đang có sự đổi mới rất mạnh mẽ về cách thức, phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền. Những thông tin trên báo in, báo điện tử và các nền tảng số của Báo về hoạt động của Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan dân cử địa phương đến với bạn đọc, cử tri và Nhân dân vừa nhanh, kịp thời, sinh động trong cách thể hiện, đồng thời đều có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hơn, có điểm nhấn hơn và tác động sâu sắc hơn về nội dung đối với toàn bộ hệ thống cơ quan dân cử.  

- Với hành trang là những thành tựu, kinh nghiệm và cả những điều chưa làm được, chưa như mong muốn trong 35 năm qua, với tầm nhìn xa về tương lai phía trước, ông kỳ vọng gì với sự phát triển của Báo Đại biểu Nhân dân?

- Đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi mới. Quốc hội cũng đang đổi mới rất mạnh mẽ. Công nghệ thông tin cũng đang phát triển rất nhanh chóng. Với Báo Đại biểu Nhân dân, theo tôi có 3 việc cần tiếp tục làm và hoàn thiện dần.

Thứ nhất, bây giờ mặt trận thông tin của chúng ta rất đa chiều và đa dạng. Báo Đại biểu Nhân dân của chúng ta là cơ quan truyền thông về chính sách của Quốc hội, thì phải góp phần mạnh mẽ hơn nữa trong việc định hướng dư luận về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Quốc hội một cách chuẩn xác. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đối với tờ báo của chúng ta. Hai là, rất mong chúng ta có được sự đầu tư tốt hơn về công nghệ cho Báo. Công việc này đòi hỏi sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là Văn phòng Quốc hội với vai trò là cơ quan chủ quản của Báo. Ba là, phải có sự tính toán, hỗ trợ nguồn lực một cách hợp lý hơn cho Báo, để có thể hài hòa giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và vấn đề tự chủ của Báo.

Nếu Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tiếp tục quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ được ba việc đó cho Báo Đại biểu Nhân dân, thì tôi tin rằng tờ báo của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển, đổi mới.

Từ ngày tôi còn làm việc tại Văn phòng Quốc hội đến bây giờ, có lẽ cơ bản đội ngũ của Báo vẫn là những con người đó, nhưng trình độ của anh em đã có sự thay đổi khá nhiều về chất trên nền tảng vững chắc là một Quốc hội ngày càng đổi mới. Cho nên, tôi có niềm tin sâu sắc rằng, anh em lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Báo chúng ta sẽ tiếp tục làm tốt và trọn vẹn hơn chức năng, nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho tờ báo của chúng ta: Báo Đại biểu Nhân dân là tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri”; để tờ báo của chúng ta phục vụ một cách tốt nhất cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri cả nước.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Phương thực hiện