Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo cho thấy còn nhiều "dư địa" đổi mới cho hoạt động của HĐND

- Thứ Hai, 25/03/2024, 21:49 - Chia sẻ

Sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm và hiệu quả, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. 18 tham luận phong phú đến từ đại diện Thường trực HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH và một số Ban của HĐND đã cho thấy nhiều mô hình hay, gợi mở thêm những cách làm sáng tạo, khẳng định "dư địa" đổi mới của HĐND còn rất dồi dào.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong thẩm tra xây dựng, ban hành nghị quyết

Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2021 - 2026, hoạt động của HĐND tỉnh Ninh Thuận có nhiều đổi mới, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả trên các lĩnh vực hoạt động như: tổ chức kỳ họp kịp thời, chuyên nghiệp; thẩm tra xây dựng ban hành nghị quyết chất lượng, khả thi; chất vấn, giải trình sâu sát, thiết thực, cụ thể; tiếp xúc cử tri thường xuyên, chuyên đề đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. Trong đó, công tác thẩm tra xây dựng, ban hành nghị quyết có những đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 16 kỳ họp HĐND, thẩm tra ban hành 314 nghị quyết HĐND tỉnh (90 nghị quyết quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, 66 nghị quyết về chủ trương đầu tư, 158 nghị quyết khác). Hoạt động thẩm tra của Thường trực HĐND, các Ban HĐND đối với dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo trình kỳ họp HĐND tỉnh phải bảo đảm nguyên tắc và quy định pháp luật. Theo đó, qua thẩm tra, Thường trực HĐND và các Ban HĐND phải rà soát, xem xét kết luận 3 nội dung: bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm tính đúng đắn và phù hợp; bảo đảm nguồn lực và tính khả thi.

Trong đó, với bảo đảm tính đúng đắn và phù hợp, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh rà soát, xem xét, đánh giá tính đúng đắn, cần thiết phải xây dựng ban hành Nghị quyết. Rà soát, xem xét cơ sở khoa học để xây dựng các nội dung, phân tích, đánh giá việc lấy ý kiến từ cơ sở, lấy ý kiến các thành phần, đối tượng chịu sự tác động, ảnh hưởng; xem xét các ý kiến đánh giá của chuyên gia, nhà khoa học; xem xét phản biện của Ủy ban MTTQ tỉnh để kết luận tính phù hợp, đúng đắn của dự thảo Nghị quyết.

Với bảo đảm nguồn lực và tính khả thi, để Nghị quyết triển khai thực hiện đi vào cuộc sống, thì cơ chế bảo đảm quan trọng là nguồn lực và triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh rà soát, xem xét dự thảo Nghị quyết nêu nguồn lực, thời gian thực hiện, cơ cấu nguồn lực ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa, phương thức huy động, giai đoạn, thời gian… có bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công hay không? Các nguồn lực phải được làm rõ, không chấp thuận các quy định nêu chung chung “nguồn lực hợp pháp khác”. Rà soát kế hoạch triển khai như tuyên truyền quán triệt, đôn đốc, giám sát tiến độ triển khai nghị quyết, sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết (hàng năm, giai đoạn). Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND phải phân tích, đánh giá làm rõ các nội dung dự thảo nghị quyết, báo cáo Thường trực HĐND tiếp tục bổ sung hoàn thiện hoặc đồng ý báo cáo tại kỳ họp.

Sản phẩm cuối cùng của kỳ họp HĐND là việc ban hành nghị quyết, thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều nghị quyết HĐND tỉnh góp phần đột phá phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực năng lượng sạch, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, bất động sản, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành: Đồng hành cùng UBND tỉnh, gỡ nhiều “nút thắt”, “điểm nghẽn”

Bước vào những tháng đầu tiên của năm 2023, Bắc Giang cũng như các địa phương trong cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ khi tăng trưởng kinh tế quý I của tỉnh chỉ đạt 8,4%. Tuy nhiên, bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, bước vào quý II, Bắc Giang đã chủ động tập trung các nguồn lực, tháo gỡ nhiều “nút thắt”, “điểm nghẽn”. Nhờ đó, kinh tế Bắc Giang đã có sự phục hồi kỳ diệu kể từ quý II để có mức tăng trưởng cả năm đạt 13,45%, đứng đầu cả nước... Đóng góp vào khối thành tích chung đó là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả của HĐND tỉnh.

Vì sao trong bối cảnh khó khăn, nhiều thách thức, Bắc Giang lại có được những kết quả nổi bật như vậy? Trước hết, HĐND tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chủ động triển khai có hiệu quả Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội cũng như Chương trình công tác năm 2023. Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm của Thường trực, các Ban; phân công rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chủ trì, phối hợp thực hiện nhằm tăng cường tính chủ động, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt, đây là năm thứ 2, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang với trách nhiệm nêu gương đã họp bàn, thống nhất giao 35 nhiệm vụ trọng tâm cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách, trong đó hai đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh được giao 5 nhiệm vụ trọng tâm, giữa năm có tổ chức kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện, kịp thời nhận diện, bàn biện pháp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc phát sinh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Thứ hai, HĐND tỉnh luôn xác định đúng vai trò, chức năng và vị thế trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, thể hiện thông qua việc HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết nhằm cụ hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh được ban hành sát với tình hình thực tiễn, kịp thời, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngoài việc quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã kịp thời xem xét, cho ý kiến đối với 77 nội dung do UBND tỉnh trình giữa hai kỳ họp thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật để kịp thời giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ ba, HĐND tỉnh luôn sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trên mọi mặt công tác. Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, điều hòa các Ban chủ động tiếp cận, phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan chuyên môn của UBND trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp. Công tác tổ chức và điều hành kỳ họp có nhiều đổi mới theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, thay báo cáo bằng phóng sự hình ảnh; tăng thời gian thảo luận, chất vấn, giám sát tại kỳ họp...

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc: Tận dụng tối đa thế mạnh, phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng hoạt động

Trong những năm qua, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, do đó chất lượng, hiệu quả công việc ngày càng được nâng cao, khẳng định vị trí, vai trò của Đoàn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. 

Từ thực tiễn hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình kiến nghị, cần phát huy tối đa sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, trước hết là Thường trực Tỉnh ủy; chủ động, tích cực trong tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy những vấn đề nóng được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm. Phát huy cao nhất tinh thần chủ động, tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND về các lĩnh vực công tác có liên quan, bám sát quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ được giao, nội dung Quy chế để xây dựng chương trình phối hợp cụ thể. Hàng năm, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch, trong đó, tận dụng tối đa thế mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị để xây dựng mối quan hệ phối hợp ngày càng gắn bó chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. 

Tăng cường mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; định kỳ hàng quý tổ chức họp giao ban chuyên đề giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh để kịp thời nắm bắt, trao đổi về kết quả thực hiện nhiệm vụ, những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc, kiến nghị của Nhân dân còn chưa được giải quyết, kéo dài cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong thời gian tiếp theo. 

Tiếp tục tăng cường phối hợp trong hoạt động giám sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, khắc phục chồng chéo trong giám sát; hướng tới những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, những vấn đề nóng, bức xúc được cử tri và Nhân dân quan tâm. Phối hợp chặt chẽ theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, bảo đảm các kiến nghị được giải quyết đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân: Bố trí nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Trong những năm qua, UBND TP. Hải Phòng luôn quan tâm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Thường trực HĐND thành phố. Các nội dung phối hợp đã bám sát các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và được cụ thể hóa trong Quy chế làm việc của UBND thành phố, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Trong đó, về phối hợp trong xây dựng chương trình, kế hoạch; chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết và công tác giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố, ngay sau khi các nghị quyết của HĐND thành phố được ban hành, UBND thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai, trong đó bố trí nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương thực hiện, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương, có sản phẩm và tiến độ cụ thể; chủ động tăng cường công tác kiểm tra, nghe báo cáo tình hình để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nghị quyết. 

Đồng thời, UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát của HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND thành phố thực hiện nghị quyết; phân công lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự các đoàn giám sát của HĐND thành phố. 

Sau các chương trình giám sát, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các thông báo kết luận, các kiến nghị của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đoàn giám sát. Một số kiến nghị được nhiều cử tri quan tâm sau giám sát đã có giải pháp và được khắc phục sớm, tạo chuyển biến rõ nét như: công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn; công tác quản lý đất đai; cải tạo hè đường, thoát nước; việc giải quyết hồ sơ công nhận liệt sỹ; hỗ trợ xây sửa nhà ở cho người có công, hộ nghèo; những tồn tại của hệ thống y tế cơ sở, chi phí mua sắm trang thiết bị y tế, chế độ hỗ trợ cán bộ ngành y tế... Đặc biệt, đã phối hợp tốt với Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát nhiều lần đến khi các tồn tại được giải quyết triệt để, như việc xây dựng lan can bảo vệ hồ điều hòa, vấn đề xả thải ra sông Rế làm ô nhiễm nguồn nước ngọt… 

Nhìn chung, các nghị quyết của HĐND thành phố được UBND thành phố tổ chức thực hiện từ rất sớm, nghiêm túc, bài bản và có hiệu quả. Các nghị quyết được ban hành đã phát huy hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển thành phố, tạo được niềm tin, phấn khởi trong Nhân dân, được Nhân dân đồng tình và ủng hộ.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Y Quang: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 594 của UBTVQH gắn với chức năng, nhiệm vụ của HĐND

Thời gian qua, HĐND tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm, chú trọng đổi mới về hình thức, cách thức tổ chức chất vấn đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của cử tri và Nhân dân trong tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổ chức được 4 phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Điểm nổi bật trong hoạt động chất vấn ở nhiệm kỳ này là “Chất vấn nóng”. HĐND tỉnh không gửi nội dung câu hỏi trước cho các cơ quan, đơn vị và người trả lời chất vấn để chuẩn bị như các nhiệm kỳ trước đây, mà đại biểu đặt câu hỏi trực tiếp tại phiên chất vấn nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, của các cơ quan đơn vị. Qua đó, giúp các cấp có thẩm quyền đánh giá kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, năng lực cán bộ lãnh đạo quản lý ở địa phương.

Để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại các kỳ họp của HĐND trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông đề xuất, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 594 của UBTVQH gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND. Mỗi đại biểu cần nâng cao bản lĩnh, vai trò, trách nhiệm, tích cực nghiên cứu các quy định pháp luật, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và các vấn đề về kinh tế, xã hội, ở địa phương để tham gia chất vấn, giám sát đến cùng.

Cùng với đó, cần nâng cao việc lựa chọn nội dung, nhóm vấn đề chất vấn, tập trung các vấn đề lớn, “có tính thời sự”, “nổi cộm, bức xúc” mà cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, phản ánh hoặc thông qua công tác giám sát, khảo sát, kiến nghị của cử tri... Người điều hành phiên chất vấn cần linh hoạt, phát huy tính dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu; điều hành theo hướng gợi mở vấn đề, một đại biểu chất vấn, nhiều đại biểu cùng tham gia “truy vấn”, khuyến khích tái chất vấn, đối thoại, tranh luận đến cùng và kết thúc đúng lúc để những nội dung chất vấn được làm rõ ngay tại phiên họp trong thời gian ngắn nhất. UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành chuyên môn phát huy vai trò, trách nhiệm chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng để trả lời chất vấn, giải trình, tập trung đi thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri. Đặc biệt, phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp và thời gian giải quyết. Tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận, cam kết lời hứa sau phiên chất vấn.

N. Vũ - H. Ngọc - M. Trang ghi; Ảnh: Hồ Long
#