Luật Đất đai (sửa đổi):

Bài 1: Thẩm thấu vào thực tiễn nhanh nhất, hiệu quả nhất

- Thứ Tư, 24/04/2024, 06:31 - Chia sẻ

LÊ HỒNG HẠNH - Trưởng phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Đất đai là vấn đề lớn, phức tạp và rất nhạy cảm, tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định và phát triển của đất nước. Tổng kết gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đã chỉ ra những bất cập cần được kịp thời điều chỉnh, trong đó có việc phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa được chú trọng, kém hiệu quả. Theo đó, bên cạnh ban hành các quy định hướng dẫn, việc đẩy mạnh, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cần được quan tâm hàng đầu. Đa dạng các hình thức tuyên truyền để việc phổ biến Luật Đất đai (sửa đổi) trở thành ngày hội pháp lý của toàn dân giúp Luật được thẩm thấu vào thực tiễn nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Với 16 chương, 260 điều, quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quy định của Luật cũ cũng như các vướng mắc của các quy định liên quan, tạo điều kiện khơi thông thể chế pháp lý, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm sự công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường. Với nhiều điểm mới so với Luật năm 2013, nhiều khái niệm, thuật ngữ chuyên môn, việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật hiện nay đã, đang được các bộ, ngành ở Trung ương đến các địa phương tổ chức thực hiện, cùng với đó là một khối lượng lớn các nghị định, thông tư đi kèm.

Đợt sinh hoạt pháp lý của toàn dân

Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Riêng Điều 190 và Điều 248 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2024. Với khối lượng quy định lớn, nhiều nội dung cần hướng dẫn, sửa đổi, quy định chi tiết. Bên cạnh hoàn thiện, sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư mới, việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung của luật tới các tầng lớp Nhân dân đang là vấn đề được cả hệ thống chính trị quan tâm. Đây cũng là niềm mong đợi của các bậc cử tri và Nhân dân.

UBND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phối hợp phổ biến Luật Đất đai (sửa đổi) cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn - ẢNH BÌNH NGUYÊN
UBND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phối hợp phổ biến Luật Đất đai (sửa đổi) cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn. Ảnh: Bình Nguyên

“Qua kênh thông tin đại chúng, chúng tôi biết Luật có nhiều thay đổi quan trọng, tôn trọng và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Nhân dân qua việc lấy ý kiến vào dự thảo. Tuy nhiên, cụ thể những sửa đổi như thế nào; người dân chúng tôi cần lưu ý những quy định nào để thực hiện đúng quy định của Luật, tránh những sai phạm trong sử dụng đất, rất cần được các cơ quan chức năng phổ biến cụ thể, tới tận khu dân cư. Cử tri chúng tôi rất mong được tiếp thu bài bản, trực tiếp các nội dung của Luật tại khu dân cư” - cử tri Bùi Thị Tam, tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Phổ biến nội dung Luật Đất đai (sửa đổi) tới các tầng lớp Nhân dân là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. “Đây là đạo luật có tác động to lớn tới quyền và lợi ích của công dân, người dân hết sức quan tâm. Song hành với quán triệt phổ biến theo ngành, lĩnh vực, địa phương cho cán bộ chủ chốt, cần sớm có lộ trình để phổ biến tới khu dân cư. Bên cạnh hình thức truyền thống là tổ chức hội nghị của cộng đồng dân cư, cần tận dụng lợi thế của công nghệ số, các nhóm xã hội cộng đồng để chuyển tải nhanh chóng tới các tầng lớp Nhân dân; quá trình tuyên truyền cần sàng lọc nội dung theo đối tượng hướng tới để phổ biến cho phù hợp.

Theo đó, đối với người dân ở khu dân cư, cần đi sâu vào nội dung các chương liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thủ tục hành chính về đất đai, đăng ký quyền sử dụng đất... tại các Chương V, VI, XI, XII, XIII. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền trực tiếp bằng tiếng Kinh, lồng ghép tuyên truyền bằng tiếng dân tộc; ghi âm các file tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để phổ biến sâu rộng cho bà con” - bà H’Bic Buôn Jă, HĐND xã Ea’Kao, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bày tỏ.

Nhất quán, kịp thời trong các văn bản hướng dẫn

Ngoài khâu phổ biến, quán triệt, việc quan trọng nhất để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống hiện nay đó chính là việc nhất quán các quy định trong các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết và các luật liên quan tới Luật, như Luật Quy hoạch, Luật Quốc tịch, Luật Nhà ở... Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan về kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành là nhiệm vụ hàng đầu của kế hoạch thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Phụ lục IV Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, có ít nhất 8 dự thảo Nghị định liên quan đến thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) phải hoàn thành trong năm 2024. Với khối lượng công việc lớn, nếu không có sự quyết liệt sẽ khó hoàn thành. Trong đó, có những nội dung cần lấy ý kiến đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi, như: Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (thay thế Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất); Nghị định quy định về giá đất.

#