Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH và các nghị quyết của Quốc hội về một số công trình quan trọng quốc gia

Sớm khắc phục tình trạng thiếu cát san nền đường giao thông

- Thứ Hai, 15/04/2024, 16:40 - Chia sẻ

Trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về cấp phép mỏ vật liệu cho các nhà thầu thi công, tuy nhiên, nhiều dự án vẫn đang trong tình trạng thiếu cát san nền đường giao thông. Do vậy, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải làm rõ giải pháp khắc phục.

Thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn 10 tháng

Tại cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, các thành viên Đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và một số nghị quyết của Quốc hội về một số công trình trọng điểm quốc gia” đánh giá cao việc ngành giao thông đã khởi công, hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều dự án quan trọng trong 2 năm vừa qua.

Trong kết quả này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho rằng, có đóng góp một phần bởi áp dụng 3 cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng như cơ chế quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, cơ chế đặc thù về cấp phép mỏ theo quy định của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã phát huy hiệu quả rõ rệt, khi cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình. “Thời gian thực hiện thủ tục rút ngắn khoảng 10 tháng so với thông thường; các nhà thầu được phép chủ động, không còn tình trạng chèn ép, bắt tay nâng khống giá…”, Thứ trưởng nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hải
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hải

Dù vậy, Thứ trưởng cũng nêu rõ, trong thực hiện cơ chế đặc thù về cấp phép mỏ vẫn có khó khăn do theo quy định của Luật Khoáng sản, thì mỏ đất không thuộc loại mỏ được Nhà nước thu hồi, buộc chủ mỏ khi được cấp phép khai thác phải thỏa thuận đền bù chi phí thuê đất với người dân. Do vậy, ở một số vị trí khai thác mỏ đã có tình trạng người dân lợi dụng nâng, ép giá tăng lên gấp 2 - 3 lần so với quy định của Nhà nước.

Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, việc triển khai đồng loạt các dự án quy mô lớn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện thiếu mỏ đất, mỏ cát tập trung ở một số địa phương và bị khống chế công suất khai thác nên không đáp ứng được tiến độ; quy trình, thủ tục cấp phép trực tiếp cho nhà thầu thi công lần đầu được áp dụng nên còn lúng túng, khiến kéo dài thời gian thực hiện…

Dẫn ra một số ví dụ về tình hình thiếu mỏ đất, mỏ cát khiến một số dự án giao thông lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị chậm tiến độ do chờ vật liệu đắp nền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn lưu ý, đây là một vấn đề nan giải trong thực hiện công trình giao thông ở nhiều địa phương, đòi hỏi Bộ Giao thông Vận tải phải sớm có phương án tháo gỡ.

Sử dụng cát biển thay thế cát san nền - liệu có hiệu quả?

Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng cho thấy, các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ trên địa bàn khu vực phía Nam đang thiếu khoảng 9 triệu mét khối cát; và hiện nay Bộ Giao thông Vận tải mới thí điểm sử dụng cát biển để thay thế cát thông thường san nền đường trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn đi qua hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng dài 300m, và cũng chưa công bố kết quả.

Nêu vấn đề này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến lo ngại về tiến độ triển khai các dự án giao thông trong thời gian tới và đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải công bố kết quả việc thí điểm sử dụng cát biển thay thế cát thông thường để san nền đường giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình. Ảnh: Thanh Hải
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình. Ảnh: Thanh Hải

Báo cáo bổ sung về những vấn đề cần quan tâm trong triển khai thực hiện các dự án giao thông sử dụng vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, bên cạnh các vấn đề đã nêu trong báo cáo của bộ, thì thời gian chờ lún ở đồng bằng sông Cửu Long rất lâu, mất 12 tháng. Do vậy, thời gian qua, bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu triển khai ứng dụng các phương pháp thi công phù hợp. Theo đó, các đơn vị đã áp dụng phương pháp thi công tiên tiến để giảm thời gian chờ lún xuống khoảng 9 tháng, có thêm thời gian lo nguyên vật liệu thực hiện dự án; ưu tiên cấp cát đắp nền cho những vị trí cần chờ lún; điều hòa linh hoạt giữa các nhà thầu với nhau… 

Báo cáo cụ thể hơn về kết quả thí điểm sử dụng cát biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh để thí điểm sử dụng cát biển thay thế cát thông thường san nền đường giao thông. Từ kết quả thí điểm này có thể khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng cát biển làm vật liệu san nền đường giao thông. “Bộ cũng đã báo cáo với Chính phủ kết quả triển khai thí điểm này trong tháng 12.2023; sau đó, đã có văn bản thông báo đến cho tất cả các địa phương để vừa thông báo kết quả, vừa là hướng dẫn triển khai thực hiện”, Bộ trưởng cho biết.

Dù vậy, theo Bộ trưởng, cát biển sử dụng tốt nhất với nền K95 trở xuống, giúp giảm sử dụng 80% khối lượng cát sông để san nền đường giao thông. Bên cạnh đó, để mở rộng áp dụng ở các dự án khác đòi hỏi các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải..., phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn thực hiện.

Thực tế giám sát cho thấy, việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, không bảo đảm hoàn thành dự án theo thời hạn đề ra có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thiếu hụt đất đắp, cát san nền đường giao thông, đặc biệt là ở khu vực phía Nam.

Trong bối cảnh thời hạn triển khai các dự án này không còn nhiều, các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với các bộ, ngành sớm hoàn thành các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, tích cực hướng dẫn các địa phương sử dụng công nghệ, vật liệu mới vào quá trình thi công, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thanh Hải